Từ ngày 01/01/2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội

09/09/2024 10:00

Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định từ ngày 01/01/2027 thì người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.

Từ ngày 01/01/2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội

Từ ngày 01/01/2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội (Hình từ Internet)

Chính phủ ban hành Nghị định 110/2024/NĐ-CP ngày 30/8/2024 về Công tác xã hội.

Từ ngày 01/01/2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội 

Theo khoản 2 Điều 47 Nghị định 110/2024/NĐ-CP thì kể từ ngày 01/01/2027, người hành nghề công tác xã hội phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội theo quy định tại  Nghị định 110/2024/NĐ-CP.

Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 110/2024/NĐ-CP thì giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có đủ điều kiện đăng ký hành nghề công tác xã hội theo quy định của Nghị định 110/2024/NĐ-CP.

Điều kiện hành nghề công tác xã hội

Theo Điều 31 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, có đủ điều kiện sau đây được hành nghề công tác xã hội:

- Đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc chuyên ngành khoa học xã hội khác theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công tác xã hội.

- Không thuộc trường hợp quy định tại Điều 32 Nghị định 110/2024/NĐ-CP và trường hợp khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

- Có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.

Các trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội

Theo Điều 32 Nghị định 110/2024/NĐ-CP thì các trường hợp bị cấm hành nghề công tác xã hội gồm:

- Người bị kết án mà chưa được xóa án tích.

- Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định về thực hành công tác xã hội

Theo Điều 35 Nghị định 110/2024/NĐ-CP quy định về thực hành công tác xã hội như sau:

- Người đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội phải tham gia thực hành công tác xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 110/2024/NĐ-CP, trừ trường hợp đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề công tác xã hội.

- Thực hành công tác xã hội được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

+ Phù hợp với văn bằng chuyên môn được cấp.

+ Thực hiện tại các đơn vị, cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội (cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác theo quy định của pháp luật) có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành.

+ Thời gian thực hành đối với trình độ đại học trở lên từ đủ 12 tháng, trình độ cao đẳng từ đủ 09 tháng, trình độ trung cấp từ đủ 06 tháng tại cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

+ Người thực hành phải tuân thủ sự phân công, hướng dẫn của người hướng dẫn thực hành và phải tôn trọng các quyền, nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội.

Xem thêm tại Nghị định 110/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.