Dùng điện thoại để chuyển tiền thanh toán trong cây xăng phạt bao nhiêu?
Tại mỗi cây xăng sẽ có biển cấm sử dụng điện thoại di động. Khi đó trường hợp cá nhân dùng điện thoại để chuyển tiền thanh toán tại khu vực này thì có thể bị xử phạt.
Dùng điện thoại để chuyển tiền thanh toán trong cây xăng phạt bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Dùng điện thoại để chuyển tiền thanh toán trong cây xăng phạt bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 12 Quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế của cửa hàng xăng dầu ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BCT, tại cửa hàng xăng dầu phải niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy, tiêu lệnh chữa cháy, biển cấm lửa, biển cấm sử dụng điện thoại di động ở các vị trí dễ thấy, dễ đọc.
Theo đó, việc sử dụng điện thoại di động để chuyển tiền thanh toán là hành vi cấm thực hiện tại cây xăng. Trường hợp cá nhân có hành vi này này sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 35 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện thoại để chuyển tiền thanh toán trong cây xăng mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Được biết tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Công an sẽ đề xuất tăng mức phạt đối trường hợp này. Cụ thể mức phạt tiền dự kiến sẽ là từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. |
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng điện thoại để chuyển tiền thanh toán trong cây xăng ở những nơi có quy định cấm.
Lưu ý: Mức phạt trên chỉ áp dụng cho cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi phạm thì mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trong đó, tổ chức trong trường hợp này sẽ bao gồm:
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp;
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;
- Đơn vị sự nghiệp;
- Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
- Tổ hợp tác.
(Khoản 2, 3 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy và chữa cháy
Theo Điều 13 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013), các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy và chữa cháy gồm:
- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
- Cản trở các hoạt động phòng cháy và chữa cháy; chống người thi hành nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy.
- Lợi dụng phòng cháy và chữa cháy để xâm hại tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
- Báo cháy giả.
- Không báo cháy khi có điều kiện báo cháy; trì hoãn việc báo cháy.
- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ.
- Mang hàng và chất dễ cháy, nổ trái phép vào nơi tập trung đông người.
- Thi công công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa có thiết kế được duyệt về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
- Chiếm đoạt, hủy hoại, làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển, che khuất phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy, biển báo, biển chỉ dẫn; cản trở lối thoát nạn.
- Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.