Sập cầu Phong Châu: UBND tỉnh Phú Thọ công bố nguyên nhân chính thức
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung UBND tỉnh Phú Thọ công bố nguyên nhân chính thức về sập cầu Phong Châu
Sập cầu Phong Châu: UBND tỉnh Phú Thọ công bố nguyên nhân chính thức (Hình từ internet)
Sập cầu Phong Châu: UBND tỉnh Phú Thọ công bố nguyên nhân chính thức
Ngày 09/9/2024, UBND tỉnh Phú Thọ có Báo cáo 156/BC-UBND về sự cố sập cầu, trôi cầu Phong Châu trên Quốc lộ 32C do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (ngày 9 tháng 9 năm 2024).
Cụ thể, UBND tỉnh Phú Thọ báo cáo diễn biến sự cố như sau:
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, tại Ấm Thượng là +27,25 m (trên báo động III 1,25 m). Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10 giờ 02 phút ngày 09 tháng 9 năm 2024, cầu Phong Châu tại km18+300 quốc lộ 32C (kết nối 02 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 02 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố.
Sau khi nhận được thông tin, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên người bị nạn; chỉ đạo thực hiện các biện pháp trước mắt để khắc phục sự cố và các giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn giao thông.
Sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó: 01 xe ô tô tải, 02 xe ô tô đầu kéo, 06 xe mô tô, 01 xe máy điện); 08 người mất tích; đã cứu, đưa 03 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định chính xác về số lượng phương tiện và số người bị mất tích. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ sau:
- Tập trung rà soát, xác định chính xác số lượng người và phương tiện gặp nạn; phối hợp với Quân khu 2, thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc rà soát các tuyến sông phía hạ lưu để tiếp tục tìm kiếm người mất tích; đồng thời, chuẩn bị phương án tìm kiếm cứu nạn khu vực chân cầu khi điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn (do mực nước sông Thao đang rất cao, trên báo động III 1,44 m);
- Triển khai các phương án phân luồng giao thông từ xa (hướng dẫn các phương tiện đi theo các hướng cầu Ngọc Tháp, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Đồng Quang…); lắp đặt cầu phao để đảm bảo giao thông tạm thời, phục vụ đi lại của nhân dân;
- Bố trí lực lượng canh gác, cắm biển, rào tôn hộ lan cảnh báo khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại; đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực. Tăng cường thông tin tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tình hình sự cố; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng xuyên tạc, thông tin sai sự thật.
Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu
Ngày 09/9/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 89/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ.
Cụ thể, bão số 3 đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa từ 200-350 mm (nhiều nơi 400-500mm, có nơi gần 600mm), lũ trên sông Thao và Lục Nam đã vượt mức báo động 3, ngập lụt cục bộ, sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi, nhất là ở Cao Bằng, Hòa Bình và Lào Cai.
Bão, mưa lũ làm ít nhất 59 người chết và mất tích (50 người do lũ, sạt lở đất; 09 người do bão), 247 người bị thương, nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng bị hư hại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Đặc biệt sáng ngày 09 tháng 9 năm 2024 đã xảy ra sự cố sập nhịp cầu Phong Châu qua sông Thao trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo thông tin ban đầu có một số phương tiện giao thông và người bị rơi xuống sông.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của Nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày tới (nhất là ngày 09 và 10 tháng 9), khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa lớn với lượng mưa 100-200mm, có nơi trên 350mm nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ tại các vùng thấp trũng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt theo thẩm quyền, trong đó:
+ Tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu: Tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn, bảo đảm đời sống cho người dân theo quy định.
+ Rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
+ Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
+ Chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn.
- Các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an:
+ Huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các địa phương có liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.
+ Chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét theo quy định.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho lực lượng và công trình thuộc trách nhiệm quản lý.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động; tổ chức theo dõi tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.
- Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.