Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là ai?
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là ai? (Hình từ internet)
Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là ai?
Căn cứ khoản 1 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã. Thành phần Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm:
- Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
- Chính trị viên do Bí thư cấp ủy cấp xã đảm nhiệm;
- Chính trị viên phó do Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã đảm nhiệm;
- Phó Chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Như vậy, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Số lượng Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã như sau:
- Đơn vị hành chính cấp xã loại 1, xã biên giới, ven biển, đảo được bố trí không quá 02 Phó chỉ huy trưởng. Căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã trong số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
- Đơn vị hành chính cấp xã không thuộc trường hợp nêu trên bố trí 01 Phó chỉ huy trưởng.
Thẩm quyền bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã
Cụ thể tại khoản 1 Điều 23 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, trừ chức vụ chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:
- Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy tiểu đoàn, hải đoàn Dân quân tự vệ;
- Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm chức vụ chỉ huy đại đội, hải đội Dân quân tự vệ; Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy hải đội tự vệ thuộc quyền quản lý;
- Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định bổ nhiệm Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng, Tiểu đội trưởng, Thuyền trưởng và Khẩu đội trưởng Dân quân tự vệ;
- Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền bổ nhiệm Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Nghị định 72/2020/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã như sau:
- Mức phụ cấp hằng tháng thực hiện theo quy định của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
- Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm xã hội, có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên, khi nghỉ việc được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 0,8 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1,5 tháng mức phụ cấp bình quân của 60 tháng cuối cùng.