Hướng dẫn quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định
Bài viết sau có nội dung về việc quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định được quy định trong Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Hướng dẫn quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định (Hình từ Internet)
1. Hướng dẫn quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định
Theo quy định tại Điều 33 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì việc quản lý vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định như sau:
- Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện việc đấu thầu hoặc đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy định của pháp luật về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô loại hình vận tải bằng xe buýt được đăng ký tham gia đấu thầu hoặc được đặt hàng khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt.
- Sở Giao thông vận tải địa phương ký hợp đồng khai thác tuyến với doanh nghiệp, hợp tác xã trúng thầu hoặc được đặt hàng. Trong hợp đồng phải thể hiện rõ phương án khai thác tuyến bao gồm: tên tuyến, số hiệu tuyến, nhãn hiệu xe, sức chứa của xe, giá vé, biểu đồ chạy xe trên tuyến, thời hạn hợp đồng.
- Sở Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ biểu đồ, hành trình chạy xe trên tuyến xe buýt nội tỉnh khi có sự thay đổi về tổ chức giao thông dẫn đến phải thay đổi hành trình hoặc trong trường hợp thiên tai, bão lụt hoặc trong trường hợp bất khả kháng khác hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã đang khai thác tuyến phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại từng thời điểm; doanh nghiệp hợp tác xã điều chỉnh phương án khai thác tuyến tương ứng với biểu đồ chạy xe mới điều chỉnh; Sở Giao thông vận tải và doanh nghiệp, hợp tác xã ký, đóng dấu xác nhận phương án khai thác mới là một phần của hợp đồng khai thác tuyến.
- Đối với các tuyến xe buýt đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, việc điều chỉnh biểu đồ, hành trình chạy xe, ngừng khai thác hoặc đóng tuyến do Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện sau khi có văn bản thống nhất với Sở Giao thông vận tải địa phương đầu tuyến bên kia; thông báo đến các Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt đi qua trước khi thực hiện.
- Quyết định điều chỉnh biểu đồ chạy xe được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất 10 ngày trước khi thực hiện.
2. Công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định
Việc công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định được quy định cụ thể tại Điều 32 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT như sau:
- Sở Giao thông vận tải công bố mở tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt tại địa phương theo danh mục mạng lưới tuyến được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đối với các tuyến xe buýt đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, căn cứ vào danh mục mạng lưới tuyến đã được phê duyệt, việc công bố mở tuyến do Sở Giao thông vận tải có tuyến xe buýt nơi doanh nghiệp, hợp tác xã đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh thực hiện sau khi có văn bản thống nhất của Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia và Sở Giao thông vận tải có hành trình tuyến đi qua. Trường hợp tuyến xe buýt có điểm đầu hoặc điểm cuối nằm trong khu vực cảng hàng không thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trước khi công bố mở tuyến.
- Nội dung công bố mở tuyến xe buýt
+ Doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến;
+ Số hiệu tuyến hoặc mã số tuyến; cự ly; hành trình (điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng);
+ Biểu đồ chạy xe, thời gian hoạt động của tuyến;
+ Nhãn hiệu, sức chứa, màu sơn đặc trưng của xe hoạt động trên tuyến;
+ Giá vé.
- Sở Giao thông vận tải phải công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 32 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT chậm nhất 15 ngày, trước khi thực hiện hoạt động vận chuyển hành khách trên tuyến bằng xe buýt.