Kinh phí công đoàn đối với những đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở được xử lý như thế nào?

10/09/2024 17:05

Doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở có phải đóng kinh phí công đoàn không? Kinh phí công đoàn doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở xử lý như thế nào?

1. Doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở có phải đóng kinh phí công đoàn không?

Căn cứ Điều 4 và Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn 2012 là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

(i)  Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

(ii) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

(iii) Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

(iv) Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020.

(v) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2023.

(vi) Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.

(vii) Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Như vậy, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở vẫn phải đóng kinh phí công đoàn. Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Bộ luật Lao động và văn bản còn hiệu lực (Áp dụng năm 2024)
File Excel tính tiền lương làm thêm giờ, làm ban đêm 2024 với người lao động

kinh phí công đoàn

Xử lý kinh phí công đoàn đối với đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở

(Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Kinh phí công đoàn đối với những đơn vị chưa thành lập công đoàn cơ sở được xử lý như thế nào?

Căn cứ khoản 4 Điều 21 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016, đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở kinh phí công đoàn được xử lý như sau:

(i) Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu kinh phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này.

(ii) Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết phải quản lý, theo dõi và trả lại cho công đoàn cơ sở khi đơn vị đó thành lập tổ chức công đoàn.

(iii) Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở đã phá sản, giải thể thì số thu kinh phí công đoàn được ghi tăng nguồn thu tài chính công đoàn tại cấp trên cơ sở được phân cấp thu.

3. Khi nào doanh nghiệp thực hiện đóng kinh phí công đoàn?

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Điều 1. Công đoàn – Luật Công đoàn 2012

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.