Tiếp tay vận chuyển trái phép hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam

Phan Hồng 10/09/2024 20:32

Chiều 10/9 , TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Thị Thu Dung (SN 1971) 7 năm tù, Phan Thị Thanh Thảo (SN 1988), Trần Thị Kiều (SN 1985) 5 năm tù, Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1973) 4 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.

Cùng tội danh trên, ba bị cáo Trang Anh Vũ (SN 1983), Lê Minh Văn (SN 1980, công chức Hải Quan), Đặng Hồng Quang (SN 1968, công chức Hải quan) bị phạt tiền mỗi bị cáo 1,5 tỷ đồng.

Phan Đằng Giao (SN 1966, công chức Hải quan) 2 năm tù nhưng hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, chiều 27/3/2023, Công an Quận Tân Bình, TP.HCM kiểm tra, bắt quả tang Trang Anh Vũ vận chuyển 02 kiện hành lý bên trong chứa thực phẩm chức năng, giày dép, kem đánh răng, mắt kính, điện thoại di động các loại.

Vũ khai, không thực hiện thủ tục khai báo nhập cảnh đối với 02 kiện hành lý này khi làm thủ tục nhập cảnh từ Hàn Quốc về Việt Nam tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 27/3/2023, tại cửa ga đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an quận Tân Bình tiếp tục phát hiện Phạm Thị Thu Dung cùng Trần Thị Kiều, Phan Thị Thanh Thảo nhập cảnh từ Hàn Quốc về Việt Nam đang đẩy hành lý có vali, túi xách có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hàng kiểm tra.

hai-quan(1).jpg
Các bị cáo tại phiên tòa

Kết quả kiểm tra phát hiện Phạm Thị Thu Dung vận chuyển 4 kiện hành lý ký gửi (bên trong có 224 hộp thuốc bổ gan) và 30 chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 10 + 5G); Trần Thị Kiều vận chuyển 3 kiện hành lý ký gửi (bên trong có 72 hộp thuốc bổ gan và 16 cái điện thoại Samsung Galaxy Note 10 + 5G); Phan Thị Thanh Thảo vận chuyển 4 kiện hành lý ký gửi (bên trong có 211 hộp thuốc bổ gan, 18 cái điện thoại Samsung Galaxy và 14 cái điện thoại hiệu LG).

Kết quả điều tra xác định, Trang, Dung, Thảo, Kiều và Vũ là những đối tượng thường xuyên vận chuyển hàng hóa (rau, hoa quả, các loại hạt, bánh kẹo...) từ Việt Nam qua Hàn Quốc bán.

Đồng thời, nhận làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa (sâm, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm...) của một số cá nhân người Hàn Quốc, người Việt Nam lao động tại Hàn Quốc về lại Việt Nam giao lại cho các cá nhân theo chỉ định của họ.

Các đối tượng biết rõ phải thực hiện thủ tục khai báo hải quan khi nhập cảnh theo quy định, nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm để được hưởng phí vận chuyển.

Lê Minh Văn là công chức Hải quan, không được phân công trực máy soi chiếu luồng đỏ số 5, nhưng do đã trao đổi với Dung và Vũ nên Văn đã cung cấp vị trí máy soi chiếu cho Dung để giúp Dung, Thảo, Kiều vận chuyển trái phép 11 kiện hàng trị giá 588 triệu đồng và giúp Vũ vận chuyển 04 kiện hàng trị giá 288 triệu đồng từ Hàn Quốc về Việt Nam mà không bị kiểm tra.

Đặng Hồng Quang là công chức Hải quan, được phân công trực máy soi chiếu luồng đỏ số 5, phải thực hiện nhiệm vụ theo quy trình về trình tự thực hiện thủ tục hải quan đối với hành lý của người nhập cảnh. Khi Phan Đằng Giao được phân công hỗ trợ công việc khác theo sự phân công của lãnh đạo Đội thì Đặng Hồng Quang là công chức có trách nhiệm chính trong việc kiểm tra hàng hóa tại máy soi chiếu số 5.

Qua trích xuất camera cho thấy, các đợt hành lý của Dung, Kiều, Thảo và Vũ qua máy soi, Văn chỉ kiểm tra thực tế 01 kiện hàng. Quang có mặt tại vị trí máy soi và vị trí Văn kiểm tra hàng hóa nhưng Quang không thực hiện kiểm tra các kiện hàng còn lại, mà để Văn là cán bộ hải quan không có trách nhiệm tại ca trực máy soi chiếu số 5 thực hiện việc kiểm tra hàng hóa và lấy giúp số hàng của Dung, Thảo, Kiều, Vũ ra khỏi hệ thống soi chiếu kiểm tra hàng hóa.

Đối với Phan Đằng Giao, là công chức Hải quan, được phân công trực máy soi chiếu luồng đỏ số 5 cùng với Quang, tại thời điểm hàng hóa của Dung và Vũ qua máy soi, Giao được phân công hỗ trợ máy soi chiếu số 6.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Giao có mặt tại máy soi chiếu số 5, đã không kiểm tra, phát hiện kịp thời để Dung vận chuyển 02 kiện hàng trị giá hơn 108 đồng từ Hàn Quốc về Việt Nam mà không bị kiểm tra.

Phan Hồng