Phối hợp xử lý vướng mắc về áp dụng bảng giá đất

10/09/2024 21:26

Thứ trưởng Lê Minh Ngân lưu ý, TP.HCM cần cân nhắc, đánh giá giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương; đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng chịu tác động.


Phối hợp xử lý vướng mắc về áp dụng bảng giá đất- Ảnh 1.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 10/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì buổi làm việc với một số Bộ ngành, liên quan về việc phối hợp xử lý vướng mắc của UBND TP. HCM về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024.

Điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết nhằm phù hợp với tình hình thực tế và từng bước tiếp cận giá thị trường

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.

Trước 1/8/2024, Bảng giá đất trên địa bàn thành phố được áp dụng theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND thành phố. Việc xây dựng Bảng giá này bị giới hạn bởi quy định về khung giá đất tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP nên trong nhiều năm trở lại đây không còn phù hợp và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở địa phương. 

Do đó, UBND thành phố hàng năm đều trình HĐND TP thông qua hệ số điều chỉnh giá đất (K) để áp dụng cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực, từng mục đích sử dụng đất nên đã góp phần giải quyết phù hợp các hồ sơ về nghĩa vụ tài chính về đất đai trên địa bàn thành phố.

Từ ngày 1/8, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành không có quy định việc UBND thành phố hàng năm trình HĐND thông qua hệ số điều chỉnh nên bảng giá đất sau ngày 1/8 sẽ không áp dụng nhân với hệ số điều chỉnh. 

Vì vậy, UBND nhận thấy việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết nhằm phù hợp với tình hình thực tế và từng bước tiếp cận giá thị trường sẽ được ban hành từ 1/6/2026 theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Phối hợp xử lý vướng mắc về áp dụng bảng giá đất- Ảnh 3.
Phó Chủ tịch UBND thành phố HCM Dương Ngọc Hải phát biểu tại buổi làm việc

Do đó, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương, phối hợp điều chỉnh Bảng giá đất theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất. 

Hiện nay, dự thảo điều chỉnh Bảng giá đất trên địa bàn Thành phố đang được Ủy ban nhân nhân Thành phố phối hợp với Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức buổi thảo luận chuyên đề để lấy ý kiến trực tiếp các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố; đối thoại, lấy ý kiến góp ý rộng rãi đối với các cơ quan, tổ chức, người dân sử dụng đất và Hội nghị phản biện xã hội do Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Phối hợp xử lý vướng mắc về áp dụng bảng giá đất- Ảnh 4.
Đại diện các Bộ ngành phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, TP.HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8 đến thời điểm Bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 được ban hành…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu các nội dung vướng mắc của UBND TP.HCM nêu tại Công văn 4724/UBND-ĐT liên quan tới việc điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024, do đó đề nghị các Bộ ngành cho ý kiến để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo, trong đó tập trung vào sự cần thiết điều chỉnh, điều chỉnh thế nào, thời điểm điều chỉnh và các nội dung do UBND TP.HCM đề xuất.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với vấn đề điều chỉnh bảng giá đất của TP.HCM và cho rằng việc tại Khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 quy định rất rõ thẩm quyền điều chỉnh là của UBND TP; đồng thời cho ý kiến vào việc điều chỉnh bảng giá, giải quyết các thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8…

Phối hợp xử lý vướng mắc về áp dụng bảng giá đất- Ảnh 5.
Quang cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải cho biết, thành phố đánh giá việc điều chỉnh bảng giá đất là vấn đề lớn, quan trọng vì phạm vi đối tượng chịu tác động lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển KT-XH của thành phố. Thành phố xác định cần thiết phải điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. 

Quá trình thực hiện, thành phố rất thận trọng, đánh giá rất kỹ tác đồng, thực hiện đầy đủ quy định và đã báo Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã có kết luận, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể các cơ quan nghiên cứu, lấy ý kiến… 

Do đó, thành phố rất cần ý kiến góp ý của các Bộ ngành, chuyên gia để thành phố tiếp thu để việc điều chỉnh nhằm không tác động, ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp để thành phố ổn định và phát triển…

Cần cân nhắc, đánh giá giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân ghi nhận ý kiến của đại diện các bộ ngành, Hiệp hội và cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất tổng hợp tiếp thu, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhất trí với ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh bảng giá đất của thành phố, và cho rằng UBND TP.HCM cần bám sát kết luận Ban Thường vụ Thành ủy về nội dung này, đồng thời về trình tự, thủ tục, thành phố cần bám sát phải tuân thủ quy định tại Nghị định 71/2024 của Chính phủ quy định về giá đất và căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng lưu ý, trong quá trình TP.HCM cần cân nhắc, đánh giá giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương; đánh giá tác động của dự thảo bảng giá đất đối với đối tượng chịu tác động; tiếp thu, giải trình đầy đủ, ý kiến của đối tượng chịu tác động, đảm bảo hài hòa lợi ích, không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.