Hai ca ghép thận từ người cho chết não ở Bệnh viện Xanh Pôn xuất viện
Đây là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong tư vấn, chẩn đoán lấy tạng, vận chuyển và ghép tạng từ người cho chết não.
Chiều 10/9, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tổ chức lễ tiễn hai bệnh nhân được ghép thận từ người cho chết não ra viện.
Hai ca ghép thận thứ 54 và 55, nhưng là ca đầu tiên Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn triển khai ghép thận từ người cho chết não cùng lúc. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thực hiện ca phẫu thuật ghép thận cho hai người bệnh diễn ra ngày 24/8.
Đây là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng như hệ thống y tế Thủ đô trong lĩnh vực tư vấn, chẩn đoán lấy tạng, vận chuyển và ghép tạng từ người cho chết não.
Tiến sĩ Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chúc mừng thành công mà các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đạt được và chúc mừng hai người bệnh đã được ghép thận thành công từ người cho chết não hiến tặng. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là bệnh viện đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội, là bệnh viện thứ 4 tại Thủ đô và là bệnh viện thứ 7 của cả nước thực hiện lấy tạng từ người hiến chết não.
"Với 6 người được hồi sinh là 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và 4 bệnh nhân được ghép tim, thận và giác mạc, xin gửi lời tri ân đến người hiến tạng và gia đình. Cho đi là còn mãi. Trái tim, ánh sáng của người hiến vẫn hiện hữu", Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh.
Ông Đức cũng cho hay Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho hoạt động lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người, từ đó đem lại cơ hội kéo dài sự sống cho những người không may bị bệnh suy tạng.
Hai bệnh nhân được ghép thận từ người cho chết não, gồm: Bệnh nhân nữ N.L P (sinh năm 1982; địa chỉ tại Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) bị suy thận phải lọc máu chu kỳ từ năm 2020 và bệnh nhân nam D.V.T (sinh năm 1969; địa chỉ tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phát hiện suy thận từ năm 2012.
Hiện tại, sức khỏe của hai bệnh nhân này tiến triển tốt, quả thận hoạt động bình thường, lượng nước tiểu ra tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Long - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay đây là một buổi lễ đặc biệt, vừa chúc mừng người được ghép tạng ra viện và cũng nhằm tri ân người hiến tạng.
Đứng trước nỗi đau, nỗi mất mát to lớn, gia đình của người hiến tạng đã đưa ra một quyết định vô cùng dũng cảm và đầy tính nhân văn, đó là hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho nhiều người khác. Đây là hành động thể hiện tình thương yêu, sự hy sinh cao cả và là minh chứng sống động cho nhận thức ngày càng lan tỏa, sâu rộng trong xã hội về hiến tạng cứu người "cho đi là còn mãi".
Tiến sĩ Nguyễn Đức Long cho hay tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ đã tiến hành ghép thận từ 10 năm trước nhưng đã phải tạm dừng 3 năm vì không có thận hiến. Bởi vậy, sau ca ghép này, các bác sĩ rất mong mỏi có thêm những người bệnh được hồi sinh từ nghĩa cử hiến tạng cao đẹp.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chia sẻ trong 6 ca ghép tạng và giác mạc từ người hiến chết não ngày 24/8 vừa qua, 2 bệnh nhân ghép thận và 2 bệnh nhân được ghép giác mạc được ra viện. Bệnh nhân được ghép tim và bệnh nhân được ghép gan đang có sức khỏe ổn định.
Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, với ghép gan, có thể lấy một phần lá gan từ người hiến sống; ghép thận có thể lấy 1 thận từ người hiến sống, nhưng với người có chỉ định ghép giác mạc hay ghép tim, ghép phổi thì chỉ có thể được hồi sinh từ người hiến chết não.
Trước đó, ngày 24/8, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Sở Y tế Hà Nội, sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các đơn vị, đặc biệt là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai ghép 2 ca thận từ người cho chết não cùng lúc.