Tổng hợp 04 văn bản hướng dẫn chế độ ốm đau với người lao động
Dưới đây là 4 văn bản hướng dẫn chế độ ốm đau với người lao động bị tai nạn trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc.
Hướng dẫn giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động
Theo Công văn 3858/BHXH-CSXH ngày 20/11/2023: Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam nhận được phản ánh của BHXH mộtsố tỉnh, thành phố về vướng mắc trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau với người lao động, BHXH Việt Nam xin báo cáo cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: “Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế”.
Điểm c khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau: “Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý”.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 thì: “Không giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”. Quy định này không loại trừ đối với trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, BHXH Việt Nam hiện nay đang xác định các trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý là tai nạn lao động. Do đó, các trường hợp này sẽ không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với thời gian điều trị thương tật lần đầu.
Ngày 25/8/2023, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn 508/TTr-TTLĐ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam hướng dẫn: “Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý không phải là tai nạn lao động theo định nghĩa tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật BHXH khi đủ điều kiện”.
Hướng dẫn chế độ ốm đau với người lao động (Hình từ internet)
Để đảm bảo việc thực hiện chế độ tai nạn lao động một cách thống nhất trên phạm vi cả nước, BHXH Việt Nam kính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn chung về nội dung này; đồng thời hướng dẫn cụ thể căn cứ để xác định loại tai nạn này khi thành phần hồ sơ hưởng chế độ ốm đau không có Biên bản điều tra tai nạn lao động.
Theo đó, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 747/TTr-TTLĐ năm 2023 giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động.
>> Xem thêm tại bài viết: Hướng dẫn giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động
Tổng hợp 04 văn bản hướng dẫn chế độ ốm đau với người lao động
Theo đó, đối với vướng mắc về chế độ ốm đau với người lao động bị tai nạn trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc được Bộ LĐTB&XH, BHXH Việt Nam giải đáp tại các văn bản sau đây:
- Công văn 508/TTr-TTLĐ ngày 25/8/2023 chế độ ốm đau đối với người lao động bị tai nạn giao thông liên quan đến lao động
- Công văn 3858/BHXH-CSXH ngày 20/11/2023 vướng mắc trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành.
- Công văn 747/TTr-TTLĐ ngày 27/11/2023 giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động do Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
- Công văn 4172/BHXH-CSXH ngày 11/12/2023 thực hiện Công văn 747/TTr-TTLĐ ngày 27/11/2023 giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động.