Tội phạm đóng hai vai khi mua bán trẻ em
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh khám phá 2 vụ án mua bán trẻ em. Các đối tượng này hoạt động trên không gian mạng nên không có một giới hạn về địa giới hành chính, phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang có một lượng lớn người dân, bao gồm cả trẻ em đến từ các vùng miền trên cả nước đến sinh sống, làm việc và học tập. Thành phố hiện có trên 1,9 triệu trẻ em dưới 16 tuổi (trong đó, trẻ em gái chiếm trên 49%). Hiện nay tại 60 cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố có 749 trẻ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc ở các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và 1.759 trẻ em ở các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập; có 9.804 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 25.503 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trẻ em tại một cơ sở bảo trợ tư nhân được đưa vào cơ sở công lập để chăm sóc, nuôi dưỡng an toàn.
Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh khám phá chuyên án mua bán trẻ em, trong đó 36 tỉnh, thành phố trên cả nước có liên quan với hàng chục trẻ em.
Tại một hội nghị về bảo vệ trẻ em do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng 11/9, Trung tá Phạm Thành Trung, Phó Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố cho biết, phương thức thủ đoạn mua bán người rất tinh vi, đối tượng mua bán trẻ em đóng 2 vai. Vai thứ nhất, đối tượng đóng giả người hiếm muộn, liên hệ với người nào có hoàn cảnh khó khăn, khi sinh con ra không thể nuôi dưỡng được, đối tượng cần nhận nuôi trẻ và liên hệ với người mẹ sinh con. Người mẹ đồng ý cho con thì đối tượng chỉ trả tiền viện phí và tiền bồi dưỡng chăm sóc sức khỏe. Vai thứ 2, đối tượng giả làm người mẹ hoặc người thân không có khả năng nuôi đứa trẻ đó để bán lại cho người có nhu cầu nuôi con nuôi.
Đối tượng lừa tất cả những người có liên quan, thể hiện sự nhân đạo giúp cho người mẹ lỡ sinh con không thể chăm sóc trẻ, đồng thời giúp cho những người thật sự có nhu cầu nuôi con nuôi. Đối tượng hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, trong đó có trường hợp nhận con nuôi về để trốn tránh việc thi hành một tội phạm khác. Để tránh chấp hành án, đối tượng mua đứa trẻ và làm các giấy tờ để chứng minh đây là con của mình nhằm hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam là không xử lý đối với người mẹ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh cho biết, thách thức lớn nhất mà thành phố phải tập trung giải quyết là công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên.
Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình,... một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng. Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại với trẻ em. Các dạng hành vi xâm hại trẻ em phổ biến là giết, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc, mua bán...
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng mua bán người, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH thành phố cho tiết, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiếp nhận hỗ trợ 6 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 2 trẻ sơ sinh bị mua bán. Các trường hợp đều được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về nhu cầu thiết yếu theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp liên hệ với thân nhân gia đình đối tượng cũng như địa phương nơi cư trú để chuyển tiếp đưa những trường hợp bị mua bán về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
Để giải quyết, xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục,… một cách nhanh chóng, chính xác, UBND TP Hồ Chí Minh đã có các văn bản chỉ đạo những đơn vị chức năng về trách nhiệm của các cá nhân, tập thể từ cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, quận, huyện đến các ngành, thành phố, xử lý đồng bộ, nhanh chóng, nghiêm minh các vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Sáng 11/9, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố phối hợp với tổ chức Blue Dragon International Việt Nam công bố triển khai dự án nâng cao hiệu quả công tác can thiệp, trợ giúp đối với các nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của dự án là chăm sóc và các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em được nâng cao nhận thức, kỹ năng trong việc can thiệp, trợ giúp cho các nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt. Nâng cao kiến thức, kỹ năng về quyền trẻ em được an toàn, phòng ngừa xâm hại; tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Dự án này đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đồng ý triển khai thực hiện.