Hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn lao động khi khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi)
Hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn lao động khi khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) là nội dung tại Công điện 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024.
Hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn lao động khi khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi) (Hình từ Internet)
Bộ Xây dựng ban hành Công điện 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024 khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi).
Hướng dẫn về công tác đảm bảo an toàn lao động khi khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi)
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ do bão, căn cứ chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện một số nội dung, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thực hiện khắc phục hậu quả sau bão quy định tại QCVN 18:2021/BXD như sau:
- Làm việc trên cao (mục 2.7);
- An toàn điện (mục 2.16);
- An toàn khi thi công, lắp dựng tháo dỡ, phá dỡ các cấu kiện, kết cấu công trình (mục 2.10 và 2.15);
- An toàn cho khu vực lân cận công trình (mục 2.1);
- Trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động (mục 2.19).
Quy định chung về làm việc trên cao tại QCVN 18:2021/BXD
Quy định chung về làm việc trên cao theo mục 2.7.1 QCVN 18:2021/BXD ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD như sau:
- Để ngăn ngừa nguy hiểm, người sử dụng lao động phải có kế hoạch và thực hiện các biện pháp ĐBAT chống rơi, ngã; biện pháp sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp sau:
+ Làm việc trên cao: Tại nơi làm việc bên trong, ngoài hoặc trên công trình hoặc những nơi làm việc khác ở công trường mà vị trí đứng làm việc (tính từ đáy bàn chân người đứng) có độ cao từ 2,0 m trở lên so với bề mặt bên dưới như mặt đất, mặt sàn, mặt kết cấu, đáy hố và các bề mặt khác;
+ Làm việc trên các mái nhà, mái dốc (mái có độ dốc lớn hơn 10 độ).
- Tại các nơi làm việc nêu tại 2.7.1.1: Ở các khoảng trống (ví dụ: mép mái, quanh các lỗ mở), phải có lan can an toàn và tấm chặn chân. Trong trường hợp không thể lắp đặt lan can và tấm chặn chân, người lao động phải sử dụng dây an toàn.
- Tại các nơi làm việc nêu tại 2.7.1.1: Phải lắp đặt giàn giáo, thang leo, đường dốc hoặc các phương tiện an toàn phù hợp khác để người lao động có thể ra vào an toàn.
- Trong trường hợp không thể lắp đặt được lan can an toàn, người lao động khi làm việc trên cao (kể cả ở độ cao dưới 2,0 m nhưng vẫn có nguy cơ tai nạn nếu không có biện pháp bảo vệ) phải được bảo vệ đầy đủ bằng lưới an toàn, tấm (sàn) đỡ an toàn hoặc phải có sàn công tác hoặc phải sử dụng dây an toàn cùng với dây cứu sinh được treo (buộc) chắc chắn.
CHÚ THÍCH: Các quy định cụ thể về giàn giáo, thang leo và các biện pháp ĐBAT khác cho người lao động nêu tại 2.2 và các mục khác có liên quan của quy chuẩn này (ví dụ: công việc thi công lắp dựng kết cấu, ván khuôn và đổ bê tông nêu tại 2.10 và 2.11).
- Người lao động làm việc trên cao, trên mái phải được đào tạo, được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ, chống rơi, ngã theo quy định tại 2.19 và QCVN 23:2014/BLĐTBXH. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ và thực hiện các biện pháp ĐBAT theo các quy định tại 2.7.2, 2.7.3 và phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe của người lao động (thể chất và tinh thần) trước khi bắt đầu và trong khi làm việc.
Xem thêm tại Công điện 02/CĐ-BXD ban hành ngày 08/9/2024.