Giao dịch 400 triệu đồng có phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước hay không?

12/09/2024 17:31

Giao dịch 400 triệu đồng có phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước hay không? Những đối tượng phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước?

1. Giao dịch 400 triệu đồng có phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước hay không?

Căn cứ Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, việc báo cáo giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo như sau:

(i) Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

(ii) Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

(iii) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chế độ báo cáo về giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo.

Ngoài ra, tại Điều 3 Quyết định 11/2023/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo, theo đó mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400 triệu đồng trở lên.

Như vậy, khi thực hiện giao dịch có giá trị lên đến 400 triệu đồng có phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

báo cáo

Giao dịch từ 400 triệu đồng phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước

(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Đối tượng phải thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, đối tượng thực hiện báo cáo Ngân hàng Nhà nước được quy định như sau:

(i) Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

- Nhận tiền gửi.

- Cho vay.

- Cho thuê tài chính.

- Dịch vụ thanh toán.

- Dịch vụ trung gian thanh toán.

- Phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền.

- Bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính.

- Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ.

- Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán.

- Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.

- Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

- Đổi tiền.

(ii) Đối tượng báo cáo là tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:

- Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm: trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược.

- Kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản.

- Kinh doanh kim khí quý, đá quý.

- Kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư.

- Cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.

3. Trách nhiệm cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước

Căn cứ Điều 35 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010, trách nhiệm cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước được quy định như sau:

(i) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước để xây dựng Bảng cân đối tiền tệ, xây dựng cán cân thanh toán của Việt Nam và đánh giá, dự báo xu hướng phát triển của thị trường tiền tệ nhằm phục vụ việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, công tác quản lý ngoại hối.

(ii) Các tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu thống kê theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để đánh giá, thanh tra, giám sát tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và của từng tổ chức tín dụng.

(iii) Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định đối tượng, quy trình, phạm vi, loại thông tin, kỳ hạn và phương thức cung cấp thông tin quy định tại khoản (i) và khoản (ii) Mục này.