Thành viên hợp tác xã có thể trở thành thành viên của hợp tác xã khác hay không?

13/09/2024 14:03

Thành viên hợp tác xã có thể trở thành thành viên của hợp tác xã khác hay không? Những ai có thể trở thành thành viên của hợp tác xã?

1. Thành viên hợp tác xã có thể trở thành thành viên của hợp tác xã khác hay không?

Căn cứ khoản 4 Điều 30 Luật Hợp tác xã 2023 và khoản 3 Điều 34 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về điều kiện trở thành thành viên hợp tác xã và quyền của thành viên hợp tác xã thì có nêu rõ thành viên của hợp tác xã có thể đồng thời là thành viên của nhiều hợp tác xã, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác.

Như vậy, một người khi đã là thành viên của một hợp tác xã nhưng nếu có nguyện vọng thì có thể đòng thời trờ thành thành viên của hợp tác xã khác.

Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

hợp tác xã

Thành viên hợp tác xã có thể trở thành thành viên của hợp tác xã khác

(Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Những ai có thể trở thành thành viên của hợp tác xã?

Căn cứ khoản 2 Điều 30 Luật Hợp tác xã 2023, thành viên liên kết không góp vốn của hợp tác xã bao gồm các đối tượng sau đây:

(i) Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

(ii) Cá nhân là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; khi tham gia các giao dịch dân sự, lao động thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

(iii) Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thành lập, hoạt động tại Việt Nam. Các thành viên của tổ chức này phải cử một người đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 để thực hiện quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác xã.

(iv) Pháp nhân Việt Nam.

3. Sau khi trở thành thành viên của hợp tác xã thì thành viên hợp tác xã có quyền gì?

Căn cứ Điều 31 Luật Hợp tác xã 2023, thành viên hợp tác xã có các quyền như sau:

(i) Đối với thành viên chính thức của hợp tác xã:

- Được hợp tác xã cung ứng sản phẩm, dịch vụ, việc làm.

- Được phân phối thu nhập theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.

- Được hưởng phúc lợi của hợp tác xã.

- Được tham dự hoặc bầu đại biểu tham dự Đại hội thành viên.

- Được biểu quyết nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên.

- Ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu.

- Kiến nghị, yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của hợp tác xã.

- Yêu cầu Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc), Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập Đại hội thành viên bất thường.

- Được cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ phục vụ hoạt động của hợp tác xã.

- Ra khỏi hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.

- Được trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 và Điều lệ.

- Được nhận phần giá trị tài sản còn lại của hợp tác xã theo quy định của Luật này và Điều lệ.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Quyền khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ.

(ii) Đối với thành viên liên kết góp vốn của hợp tác xã:

- Các quyền quy định tại các gạch đầu dòng thứ hai, thứ ba, thứ bảy, thứ chín đến gạch đầu dòng thứ mười bốn và khoản (i) Mục này.

- Tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên khi được mời.

(iii) Đối với thành viên liên kết không góp vốn:

- Các quyền quy định tại các gạch đầu dòng thứ nhất, thứ ba, thứ chín, thứ mười, thứ mười ba, mười bốn khoản (i) Mục này.

- Tham gia và phát biểu nhưng không được biểu quyết tại cuộc họp Đại hội thành viên khi được mời.