Luật sư: "Fake" sao kê tiền chuyển khoản ủng hộ từ thiện để trục lợi có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân
Theo luật sư, việc giả sao kê nhằm mục đích trục lợi có thể bị xử lý hình sự. Mức xử phạt nhẹ hơn thường là cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí có thể tù chung thân. Điều này phụ thuộc vào số tiền chiếm đoạt.
Mới đây, trên Fanpage chính thức, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố thống kê số tiền ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011.00.1932418 từ ngày 1/9/2024 đến ngày 10/9/2024.
Sao kê dài 12.028 trang, thống kê chi tiết ngày, số tiền cũng như nội dung giao dịch của người dân, từ những giao dịch vài nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Chỉ chưa đầy một ngày, cộng đồng mạng phát hiện ra: Không ít những tiktoker, ca sĩ, các tổ chức đăng tải trên mạng hình ảnh chuyển khoản với số tiền ủng hộ tiền vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ nhưng khi cộng đồng mạng đối chiếu, số tiền ủng hộ chỉ 1.000 đồng, 2.000 đồng hoặc 5.000 đồng,… Thậm chí nhiều tổ chức tập thể chuyển khoản ủng hộ số tiền chỉ vài nghìn đồng.
Luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way cho rằng, hành động rất minh bạch của Mặt trận Tổ Quốc khi công bố công khai hơn 12 nghìn trang sao kê tài khoản nhận ủng hộ đã chỉ ra khá nhiều vấn đề.
Thứ nhất, đó là thói hư vinh của một số người, "flex" sự thiện tâm giả tạo. "Ủng hộ nhiều ít đều quý, nhưng flex làm màu thì đáng chê. Nó là hành vi đạo đức, thậm chí nó ảnh hưởng đến MTTQ khi nhìn khắp cộng đồng nhiều tiền vậy, sao cộng dồn lại ít? Minh bạch đã giải quyết được vấn đề đó", ông Hồi cho hay.
Về pháp lý, theo ông Hồi, vấn đề “làm giả sao kê”, cần tách biệt rõ 2 trường hợp. Thứ nhất, giả sao kê để trục lợi. Điều này cho thấy có dấu hiệu của tội chiếm đoạt tài sản với những người đại diện tập thể khi họ chuyển tiền đi ít hơn số tiền họ đã nhận, đã công bố.
Dấu hiệu này tùy thuộc vào thời điểm họ hình thành ý định chiếm đoạt. Đầu tiên, họ cố tình kêu gọi mọi người chuyển tiền vào tài khoản mình rồi chuyển khoản ít đi và "fake bill" chuyển khoản có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoặc sau khi tiếp nhận tiền ủng hộ tự nguyện, nổi lòng tham chiếm đoạt tiền và "fake bill" chuyển khoản để che giấu có thể phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp hai là giả sao kê để đánh bóng bản thân không có mục đích chiếm đoạt tiền của người khác. Đây là hành vi đưa thông tin giả, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm A khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-Cp ngày 03/2/20220 đối với hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của Cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" thì có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng với tổ chức vi phạm, với cá nhân vi phạm thì chịu phạt bằng 1/2 của tổ chức tức là từ 5 - 10 triệu đồng.
"Ở đây, đơn vị trực tiếp bị ảnh hưởng đến là MTTQ. Rõ ràng, nếu như liên tục có các cá nhân đưa thông tin sai sự thật về số tiền ủng hộ khiến dư luận sẽ đặt dấu hỏi về tổng số tiền Mặt trận tổ quốc đã nhận được của các tổ chức, cá nhân. Do vậy, hành vi này có thể xử phạt", ông Hồi nói thêm.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức nhận định: "Việc nhận tiền của người khác sau đó chuyển số tiền ít hơn nhưng lại làm giả sao kê để nhằm mục đích chiếm đoạt, gian lận thì rõ ràng, đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tùy theo số tiền cam kết hay nguồn gốc số tiền của tổ chức pháp nhân hay cá nhân đóng góp, sẽ quy định việc vi phạm pháp luật. Ví dụ việc gian lận số tiền của tổ chức pháp nhân thì không loại trừ khả năng tham ô tài sản, hay chiếm đoạt tài sản với.
Số tiền đó có thể từ 2-4 triệu đồng đã là tham ô tài sản hay chiếm đoạt tài sản và có thể bị xử lý hình sự. Thường mức xử phạt là cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 6 tháng -1 năm. Nếu vi phạm từ vài chục triệu lên tới trăm triệu thì thời gian phạt tù có thể lên tới hơn 10 năm hoặc cao nhất là tù chung thân”.