Mức phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính chi trả đối với người làm công tác dự trữ quốc gia
Bài viết sau có nội dung về mức phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính chi trả đối với người làm công tác dự trữ quốc gia được quy định trong Thông tư 33/2014/TT-BTC.
Mức phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính chi trả đối với người làm công tác dự trữ quốc gia (Hình từ Internet)
1. Mức phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính chi trả đối với người làm công tác dự trữ quốc gia
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 33/2014/TT-BTC thì mức phụ cấp ưu đãi nghề và cách tính chi trả đối với người làm công tác dự trữ quốc gia như sau:
- Mức phụ cấp ưu đãi nghề:
+ Mức phụ cấp ưu đãi bằng 25% áp dụng đối với công chức trực tiếp làm nhiệm vụ dự trữ quốc gia tại các Chi cục Dự trữ Nhà nước, văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã được xếp lương theo các ngạch công chức chuyên ngành dự trữ quốc gia;
+ Mức phụ cấp ưu đãi bằng 15% áp dụng đối với đối tượng còn lại quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 33/2014/TT-BTC (trừ đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 33/2014/TT-BTC) trực tiếp làm nhiệm vụ tại Chi cục dự trữ Nhà nước, văn phòng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước; người trực tiếp làm công tác dự trữ quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 33/2014/TT-BTC;
+ Các mức phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 33/2014/TT-BTC được tính theo mức lương ngạch, bậc, cấp hàm hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Cách tính chi trả phụ cấp ưu đãi nghề hàng tháng:
+ Công thức tính:
Mức tiền phụ cấp ưu đãi nghề dự trữ quốc gia | = | Hệ số lương theo ngạch, bậc, cấp hàm hiện hưởng cộng với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo và % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) | x | Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ | x | Mức % phụ cấp ưu đãi nghề được hưởng |
Ví dụ 5:
Ông H là thủ kho bảo quản của Chi cục Dự trữ Nhà nước M thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực N hiện đang hưởng lương ngạch thủ kho bảo quản, bậc 12, hệ số lương 4,06 và phụ cấp thâm niên vượt khung 5%. Mức tiền phụ cấp ưu đãi nghề tháng 11/2013 của ông H tính trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng là:
[4,06 + (4,06 x 5%)] x 1.150.000 đồng/tháng x 25% = 1.225.610 đồng/tháng
Ví dụ 6:
Ông K là Trưởng phòng Kỹ thuật bảo quản thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đ hiện đang hưởng lương ngạch chuyên viên chính, bậc 2, hệ số lương 4,74 và phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,5. Mức tiền phụ cấp ưu đãi nghề tháng 11/2013 của ông K tính trên mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng là:
(4,74 + 0,5) x 1.150.000 đồng/tháng x 15% = 903.900 đồng/tháng
+ Người được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề thuộc danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan đơn vị đó chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
2. Nguồn kinh phí thực hiện phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác dự trữ quốc gia
Nguồn kinh phí thực hiện phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm công tác dự trữ quốc gia được quy định tại Điều 7 Thông tư 33/2014/TT-BTC như sau:
- Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại Thông tư 33/2014/TT-BTC do ngân sách nhà nước đảm bảo và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
- Việc lập, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước 2015.