Tổ chức tín dụng có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài?

14/09/2024 15:02

Tổ chức tín dụng có thể thực hiện việc bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài hay không? Tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh phải đáp ứng những yêu cầu gì?

1. Tổ chức tín dụng có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài?

Căn cứ khoản 1 Điều 12 Thông tư 11/2022/TT-NHNN, việc bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú được quy định như sau:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được bảo lãnh cho khách hàng tổ chức là người không cư trú và phải đáp ứng một trong những yêu cầu sau (khách hàng là tổ chức tín dụng ở nước ngoài không phải đáp ứng yêu cầu này):

(i) Khách hàng là doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư là thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó (quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020) hoặc dưới hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư (quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư 2020).

(ii) Khách hàng ký quỹ đủ 100% giá trị bảo lãnh hoặc có bảo đảm đủ 100% giá trị bảo lãnh bằng tài sản của khách hàng gồm số dư tiền gửi tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh và chứng chỉ tiền gửi của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh.

(iii) Bên nhận bảo lãnh là người cư trú.

Như vậy, tổ chức tín dụng có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài nếu doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư; Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó; đầu tư quy định hoặc dưới hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

File Word Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 01/7/2024
Hệ thống biểu mẫu về pháp luật doanh nghiệp (cập nhật mới)

ngân hàng

Giải đáp câu hỏi: Tổ chức tín dụng có thể bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại nước ngoài (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)

2. Yêu cầu đối với tổ chức tín dụng khi thực hiện bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng là người không cư trú

Căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Thông tư 11/2022/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện bảo lãnh bằng ngoại tệ cho khách hàng là người không cư trú phải:

(i) Tuân thủ quy định pháp luật về hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay ra nước ngoài và thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú.

(ii) Có quy trình đánh giá, quản lý rủi ro tín dụng, trong đó có rủi ro trong bảo lãnh đối với người không cư trú.

Lưu ý, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh bằng ngoại tệ đối với khách hàng tổ chức là người không cư trú, trừ trường hợp bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng ở nước ngoài hoặc xác nhận bảo lãnh cho nghĩa vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng ở nước ngoài mà bên nhận bảo lãnh là người cư trú.

3. Khách hàng được bảo lãnh phải có những yêu cầu nào?

Căn cứ Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

- Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp.

- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Lưu ý, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.