Hưởng giá ưu đãi 9,35 Uscents/kWh thay vì giá 7,09 Uscents/kWh, nhà máy điện của Trung Nam Group gây thiệt hại cho EVN hơn 900 tỷ đồng
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 Uscents/kWh, thay vì giá 7,09 Uscents/kWh, qua đó gây thiệt hại cho tập đoàn nhà nước EVN hơn 900 tỷ đồng.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, cùng một số tỉnh, thành liên quan, đồng thời đề nghị truy tố ông Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương); ông Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo); ông Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện) cùng 9 đồng phạm khác về hai tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án xuất phát từ tháng 2/2023, khi Thanh tra Chính phủ có công văn kiến nghị Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra, xử lý với 8 nhóm hành vi có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện.
Qua điều tra, Cơ quan an ninh xác định, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.
Quá trình thực hiện, ông Vượng biết rõ chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận “các dự án điện mặt trời nối lưới và hạ tầng đấu nối công suất 2.000 MW được chấp thuận triển khai". Tuy nhiên, ông Vượng đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg theo hướng "mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi" thành "các dự án được phê duyệt bổ sung sẽ được hưởng giá điện ưu đãi".
Theo cơ quan điều tra, chỉ đạo trên của ông Vượng là trái với Nghị quyết số 115/NQ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, ngoài phạm trong xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng còn bị cáo buộc "có động cơ vụ lợi", tạo cơ chế cho dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam.
Cụ thể, ông Vượng lợi dụng chức vụ quyền hạn đã thống nhất chủ trương đề xuất cho dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch; đồng thời, “cố ý” xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh cho dự án vượt phạm vi Thủ tướng Chính phủ cho phép... Sự "cố ý" của ông Vượng tạo điều kiện cho nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được vào diện được hưởng giá điện ưu đãi.
Dù sau đó, Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện nghiêm theo đúng nghị quyết nhưng ông Vượng "ngó lơ", dẫn đến thiệt hại 774 tỷ đồng cho EVN.
Khi bị điều tra, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương khai nhận của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam 1,5 tỷ đồng.
Ban đầu, CQĐT xác định tổng số tiền thiệt hại tính đến thời điểm tháng 1-2023 là 774 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại kết luận điều tra bổ sung vừa ban hành, CQĐT xác định số thiệt hại là hơn 900 tỷ đồng.
Cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng từng là Chủ tịch HĐTV EVN
Ngày 2/1/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, đối với ông Hoàng Quốc Vượng, từng là Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Ông Hoàng Quốc Vượng sinh năm 1963, từng tốt nghiệp trường mỏ MGRI tại Nga. Ông Hoàng Quốc Vượng từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Năm 2010, ông Vượng được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương, đánh dấu khoảng thời gian liên tục thay đổi vị trí công tác từ quản lý nhà nước về doanh nghiệp rồi lại quay về làm quản lý nhà nước.
Trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Vượng được giao chỉ đạo công tác trong lĩnh vực điện lực, năng lượng tái tạo; môi trường và phát triển bền vững...
Tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đến tháng 1/2015, ông Vượng thôi giữ chức Chủ tịch EVN để giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương. Trong quãng thời gian ở vị trí này, ông Vượng tiếp tục được giao quản lý nhiều lĩnh vực, trong đó chủ chốt là năng lượng.
Các cơ chế chính sách liên quan đến điện mặt trời, điện gió đều được tham mưu, ban hành trong thời gian ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Công Thương. Đó là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) cho điện mặt trời là 9,35 cent/kWh; Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 39/2018/QĐ-TTg cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió.
Các cơ chế với mức giá cao đã giúp cho năng lượng tái tạo có khoảng thời gian "bùng nổ" ở Việt Nam.
Kết luận thanh tra Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Quy hoạch điện VII điều chỉnh (giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030) đặt mục tiêu lắp đặt 850 MW công suất điện mặt trời, tuy nhiên Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án với tổng công suất 10.521 MW trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư (23 dự án với tổng công suất 5.200 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020; 31 dự án với tổng công suất 5.321 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2021-2025).
Trong khi đó, Bộ Công Thương không lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia đến năm 2020. Do đó, Thanh tra Chính phủ kết luận việc phê duyệt 54 dự án trên (tổng công suất 10.521 MW) là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra sai phạm khi Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời dưới 50 MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh và trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh mà không phải lập quy hoạch điều chỉnh.
Ngoài sai phạm về bổ sung ồ ạt nguồn điện, kết luận thanh tra còn chỉ ra những “lỗ hổng” trong hướng dẫn và tham mưu ban hành giá mua điện ưu đãi FIT; việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư các dự án điện gió, mặt trời