Nữ trạm trưởng vượt rừng trong đêm cứu nạn nhân vụ sạt lở ở Nậm Tông
Tôi không bao giờ quên được ánh mắt cầu cứu của những người dân thôn Nậm Tông. Rồi cảnh cháu bị thương ở vùng bụng mất ngay trước mắt mà tôi không giúp được gì. Giá như đường không sạt lở, tôi có thể đến sớm hơn hỗ trợ, sơ cứu bước đầu, giảm bớt những đau đớn cho nạn nhân”, chị Sin Thị Tâm - Trạm trưởng Trạm y tế xã Nậm Lúc, nói.
Gần 1 tuần qua, hàng trăm người gồm công an, quân đội, cảnh sát cơ động, đội tìm kiếm cứu nạn tự nguyện vẫn đang nỗ lực chạy đua thời gian, tìm kiếm những nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Mặc dù thời tiết nắng nóng, không thuận lợi khi không có điện, sóng điện thoại chập chờn nhưng việc cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai đang được đẩy nhanh.
Hiện trường tan hoang của vụ sạt lở. Ảnh: Phạm Trường
Là một trong những người có mặt tại hiện trường đầu tiên và ở lại chăm sóc y tế cho người dân, chị Sin Thị Tâm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc, cho biết, 13h45 ngày 10/9, chị cùng các lực lượng chức năng trong xã nhận được tin từ trưởng thôn Nậm Tông về việc trong thôn xảy ra sạt lở đất, nhiều người bị thương, mất tích. Lãnh đạo xã và công an xác định do thôn Nậm Tông bị cô lập nên cách tiếp cận duy nhất là đi bộ.
"Chúng tôi bắt đầu di chuyển từ trung tâm xã lúc 15 giờ. Trong đoàn, chỉ có mình tôi là cán bộ y tế vì các cán bộ khác đang bị cô lập do mưa lũ. Chúng tôi phải vượt gần 10km đường rừng núi dốc, qua hàng chục điểm sạt lở nên phải 19h30 mới có mặt tại hiện trường. Lúc này có 4 thi thể được tìm thấy và 11 người bị thương đang nằm kêu khóc", chị Tâm nhớ lại.
Theo chị Tâm, dù đã gần 1 tuần xảy ra vụ sạt lở nhưng hình ảnh cả thôn bản tan hoang, người chết, người bị thương nằm la liệt vẫn ám ảnh chị. “Nhìn hiện trường, ai cũng phải khóc vì rất đau thương. Trong số các nạn nhân bị thương có 3 trẻ em, một bé bây giờ bị chấn động não, 4 người lớn bị thương nặng, chấn thương vùng đầu, đa chấn thương, chi, gãy đốt sống lưng”, nữ trạm trưởng cho hay.
Chị Sin Thị Tâm - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc (áo xanh) sơ cứu cho người bị thương trong vụ sạt lở.
Cả đêm hôm đó, chị không ngủ, chạy đua với thời gian để sơ cứu bệnh nhân, với hy vọng làm sao để 11 người được an toàn. Sáng hôm sau, các bệnh nhân được lực lượng địa phương, dân quân vận chuyển ra ngoài, trong tình trạng giao thông hết sức khó khăn.
Không có xe vào, khắp nơi sạt lở, đường sá bị chia cắt nên chị Tâm và lực lượng chức năng phải tự làm cáng bằng cách đan tre, đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Cứ một cáng thì 6 người thay phiên nhau để khiêng. Trong 11 bệnh nhân thì có 4 người phải khiêng cáng, 4 trẻ em được cõng trên lưng để đưa ra bệnh viện huyện và tỉnh điều trị.
“Tôi không bao giờ quên được ánh mắt cầu cứu của những người dân thôn Nậm Tông. Rồi cảnh cháu bị thương ở vùng bụng mất ngay trước mắt mà tôi không giúp được gì. Giá như đường không sạt lở, tôi có thể đến sớm hơn hỗ trợ, sơ cứu bước đầu, giảm bớt những đau đớn cho nạn nhân”, nữ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Lúc nghẹn ngào.
Cảnh sát cơ động tìm nạn nhân mất tích.
Ông Sầm Phượng Long - Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cho biết, sạt lở trên địa bàn làm 11 người chết, 8 người mất tích chưa được tìm thấy. Hiện, tuyến đường vào các bản trên địa bàn cơ bản đã thông và di chuyển được song còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao.
“Ngoài lực lượng có mặt từ trước, hôm nay 16/9, quân đội cũng tăng cường thêm 70 người vào hỗ trợ tìm kiếm và khắc phục hậu quả sau lũ cho bà con. Đến nay, các đoàn cứu trợ cũng có mặt, xã đã phân bố lương thực, nhu yếu phẩm, nước uống cho người dân”, ông Long nói.
Theo UBND huyện Bắc Hà, đợt mưa lũ vừa qua khiến 23 người chết, 11 người mất tích. Toàn huyện còn hàng nghìn điểm sạt lở. Hiện các quả đồi, đất đã ngậm căng nước, xuất hiện nhiều điểm nứt mới, nguy cơ phát sinh thêm các địa điểm sạt lở đất cao với khối lượng lớn.
Hiện còn 2 tuyến đường vào xã Nậm Khánh và Bản Cái chưa thông, mọi công tác cứu trợ phải đi bộ. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 386 tỷ đồng. Huyện Bắc Hà đã huy động trên 2.000 người, 30 máy xúc đào, thành lập các tổ cơ động để khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Hiện trường vụ sạt lở Nậm Tông (huyện Bắc Hà, Yên Bái).