Vành đai 4 đoạn qua Long An tiến độ đến đâu?
Dự án Vành đai 4 Tp.HCM dài 207km, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thời gian qua, UBND tỉnh Long An chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Giao thông vận tải Tp.HCM để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua tỉnh Long An. Đến nay đơn vị tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ.
Theo UBND tỉnh Long An, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Tp.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh với phạm vi đầu tư điểm đầu tuyến tại kênh Thầy Cai (ranh giới huyện Củ Chi, Tp.HCM và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Điểm cuối tuyến nối với trục Bắc - Nam tại khu vực Cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp.HCM.
Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 78,3km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Long An dài 74,5km và đoạn qua Tp.HCM dài 3,8km. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1: 67.302 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh Long An là 62.506 tỉ đồng, Tp.HCM là 4.796 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư, ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian hoàn vốn của dự án là 20 năm.
Dự án được phân chia thành các thành phần. Thành phần 1: Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh quy hoạch và xây dựng đường song hành, đường gom đoạn qua tỉnh Long An. Nguồn vốn ngân sách Trung ương 75%, ngân sách địa phương 25%.
Dự án thành phần 2: Xây dựng tuyến đường cao tốc theo quy mô giai đoạn 1 toàn tuyến. Nguồn vốn ngân sách Trung ương 75%, ngân sách địa phương 25% và nhà đầu tư.
Dự án thành phần 3: Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh quy hoạch và xây dựng đường song hành, đường gom đoạn qua TP.HCM. Nguồn vốn ngân sách TP.HCM 100%).
Trước đó, vào ngày 29/8/2024, UBND Tp.HCM có công văn gửi UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu về hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4 TP.HCM. Theo Thông báo của Bộ GTVT và UBND các tỉnh đã thống nhất đề nghị UBND TP.HCM đảm nhận vai trò là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm tổng hợp và điều phối quá trình triển khai các dự án này.
TP.HCM cũng được giao chủ trì lựa chọn đơn vị tư vấn tổng thể để rà soát, lập báo cáo đánh giá chung và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho toàn bộ tuyến đường Vành đai 4.
Dự án Vành đai 4 đi qua năm tỉnh, thành, bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23km), Đồng Nai (45,54km), Bình Dương (47,45km), TP.HCM (17,3km) và Long An (78,3km).
Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 128.063 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 76.772 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng khoảng 51.291 tỉ đồng. Dự án được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Gần đây, Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với các tỉnh hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 để trình Quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024. Chủ trương đầu tư dự án sẽ xác định các dự án thành phần đi qua địa phận TP.HCM và các tỉnh còn lại; giao các địa phương tổ chức thực hiện tương tự dự án Vành đai 3.