Giải quyết tình trạng tinh giản biên chế chưa phù hợp
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp trong thời gian tới để tránh tình trạng tinh giản biên chế một cách cơ học, cào bằng.
Giải quyết tình trạng tinh giản biên chế chưa phù hợp (Hình từ Internet)
Giải quyết tình trạng tinh giản biên chế chưa phù hợp
Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nội dung chất vấn như sau: Đề nghị Bộ trưởng cho biết hiện nay sự vênh nhau về tỷ lệ giao biên chế giữa các địa phương mặc dù các tỉnh đều có quy mô dân số, diện tích, đơn vị hành chính tương đương. Với vai trò của mình xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp trong thời gian tới để tránh tình trạng cắt giảm biên chế một cách cơ học, cào bằng, chưa gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương để giúp cho đơn vị, địa phương đảm bảo biên chế thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tại Công văn 5547/BNV-TCBC ngày 11/9/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Bộ Nội vụ đã kịp thời tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó đã quy định rõ việc xác định biên chế (công chức, viên chức) được dựa trên các tiêu chí chung về: Quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các tiêu chí khác có tính đặc thù, như: Khối lượng công việc của từng vị trí việc làm, mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin, thực tế việc sử dụng biên chế được giao, đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Vì vậy, khi triển khai theo các quy định của Đảng và của Chính phủ, trên thực tế vẫn có trường hợp các địa phương tuy có quy mô dân số, diện tích tự nhiên và số lượng đơn vị hành chính tương đương nhưng đang được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu biên chế khác nhau.
Để quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Tiếp tục tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được cấp có thẩm quyền giao.
- Xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế theo lộ trình phù hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (không thực hiện cắt giảm biên chế một cách cơ học, cào bằng), bảo đảm đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế theo quy định của Đảng tại Kết luận 28-KL/TW và Kết luận 40-KL/TW.
- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng giảm số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách nhà nước và tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 75/2022/QH15 của Quốc hội.
- Kịp thời điều chỉnh chỉ tiêu biên chế giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, bảo đảm sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế được giao (không để chỉ tiêu trống).
Trường hợp thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp nêu trên, các địa phương vẫn có nhu cầu bổ sung biên chế thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo Quy định 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.