Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe
Bài viết sau có nội dung về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe trong Công văn 5471/BYT-K2ĐT năm 2024.
Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (Hình từ Internet)
Ngày 16/9/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn 5471/BYT-K2ĐT tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe
Theo đó, thì trong thời gian vừa qua, công tác về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện việc công bố đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và phối hợp với cơ sở giáo dục trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo thực hành theo quy định.
Bộ Y tế ghi nhận, đánh giá cao vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia công tác đào tạo giúp đảm bảo chất lượng đào tạo thực hành lâm sàng của học sinh, sinh viên, học viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe. Tuy nhiên, trong bối cảnh gia tăng nhanh các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo các ngành, trình độ thuộc lĩnh vực sức khỏe, quy mô tuyển sinh và đào tạo tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải tại cơ sở thực hành, nhất là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo thực hành lâm sàng và năng lực hành nghề của học sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Do đó, để khắc phục các tồn tại và tiếp tục tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo và thực hiện các nội dung được quy định cụ thể trong Công văn 5471/BYT-K2ĐT như sau:
(1) Tiếp tục quán triệt về vai trò và tầm quan trọng của công tác đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nâng cao trách nhiệm của nhân viên y tế tham gia công tác giảng dạy thực hành lâm sàng cho học sinh, sinh viên, học viên.
(2) Thực hiện rà soát và chấn chỉnh hoạt động tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định tại Nghị định 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nội dung chính gồm:
- Yêu cầu đối với cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
+ Công bố bằng văn bản và thường xuyên cập nhật trên trang thông tin điện tử của cơ sở danh sách người giảng dạy thực hành, số lượng, loại hình, ngành, chuyên ngành, trình độ đào tạo thực hành, số lượng tối đa người học thực hành có thể nhận, số lượng người học thực hành đang thực hành tại cơ sở.
+ Tại cùng một thời điểm, mỗi khoa, phòng có không quá 03 người học thực hành trên 01 giường bệnh hoặc 01 ghế răng.
+ Cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 111/2017/NĐ-CP phải bảo đảm:
++ Tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành và chỉ được là cơ sở thực hành thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 111/2017/NĐ-CP của không quá 02 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học và 01 cơ sở giáo dục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.
++ Bố trí người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề.
- Yêu cầu đối với người giảng dạy thực hành ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh
+ Đã có đủ thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi có chứng chỉ hành nghề liên tục ở ngành/chuyên ngành giảng dạy thực hành đến thời điểm giảng dạy thực hành ít nhất là 36 tháng đối với đào tạo trình độ sau đại học, 24 tháng đối với đào tạo trình độ đại học và 12 tháng đối với trình độ cao đẳng và trung cấp.
+ Tại cùng một thời điểm, một người giảng dạy thực hành chỉ được giảng dạy không quá 05 người học thực hành đối với đào tạo trình độ sau đại học, không quá 10 người học thực hành đối với đào tạo trình độ đại học, không quá 15 người học thực hành đối với đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.
+ Đã được bồi dưỡng phương pháp dạy - học lâm sàng theo quy định tại Thông tư 11/2019/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về bồi dưỡng phương pháp dạy - học lâm sàng cho người giảng dạy thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
(3) Định kỳ triển khai kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe tại Nghị định 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo Bộ Y tế (qua Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) để chỉ đạo giải quyết.
Xem thêm Công văn 5471/BYT-K2ĐT ban hành ngày 16/9/2024.