WHO: Omicron tấn công cả những người đã tiêm phòng hoặc đã khỏi COVID-19
PLBĐ - Tổng giám đốc Tổ cức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định biến thể Omicron có khả năng lây bệnh cao hơn (so với Delta) và gây bệnh cho những người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc COVID-19.
Ngày 20/12, Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn biến thể Delta và đang gây bệnh cho những người đã tiêm vaccine hoặc đã mắc COVID-19 trước đó. Đồng thời, người đứng đầu WHO kêu gọi các nước gạt bỏ suy nghĩ rằng Omicron có độc lực nhẹ hơn các biến thể trước đây.
Theo đó, trong cuộc họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Có bằng chứng nhất quán cho thấy biến thể Omicron lây nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Những người đã tiêm phòng vaccine hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 nhiều khả năng nhiễm hoặc tái nhiễm". Ngoài ra, Tổng Giám đốc WHO cũng khẳng định năm 2022 phải là năm "kết thúc đại dịch".
Thông tin trên đã khẳng định lo ngại của các nhà khoa học rằng với rất nhiều đột biến ở protein gai, biến thể Omicron có khả năng lẩn tránh hàng rào miễn dịch. Hàng rào miễn dịch đó được tạo ra bởi việc tiêm vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên ở những người từng mắc COVID-19.
Theo một số nghiên cứu ban đầu ở các hãng dược phẩm lớn như Pfizer/BioNTech cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ của 2 mũi vaccine đầu tiên giảm mạnh trước biến thể Omicron. Ngay cả mũi tiêm tăng cường của Pfizer cũng chỉ bảo vệ được từ 70-75% nguy cơ nhiễm Omicron và bệnh nặng phải nhập viện (ở biến thể Delta là 90%).
Trước đó, WHO đã chỉ định Omicron là biến thể "đáng lo ngại" vào ngày 26/11, ngay sau khi nó được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi hồi giữa tháng 11. Theo WHO, mặc dù các nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể ít độc lực hơn biến thể Delta (hiện là biến thể thống trị toàn cầu) và tất cả các bệnh nhân nhiễm biến thể này ở châu Âu đều là thể nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng độc lực của Omicron vẫn là vấn đề đòi hỏi thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
WHO nhấn mạnh ngay cả nếu độc lực của biến thể Omicron thấp hơn độc lực của biến thể Delta, thì dự kiến số người nhập viện vẫn sẽ tăng do số ca nhiễm bệnh tăng. Điều này có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn tới nhiều ca tử vong hơn.
Nhóm nhà khoa học của WHO đã bày tỏ hy vọng rằng đại dịch sẽ kết thúc vào năm 2022. Bởi lúc này, thế giới sẽ phát triển được vaccine thế hệ thứ hai và thứ ba, phát triển được các phương pháp điều trị kháng sinh và có những đổi mới khác trong việc chống COVID-19.
"Chúng tôi hy vọng sẽ xếp COVID-19 vào diện bệnh tương đối nhẹ, dễ phòng ngừa, dễ điều trị. Nếu chúng ta có thể giữ cho sự lây nhiễm ở mức tối thiểu, thì chúng ta có thể chấm dứt đại dịch", Mike Ryan - chuyên gia cấp cứu hàng đầu của WHO cho hay.
Omicron, định danh là B.1.1.528, lần đầu được phát hiện ở miền Nam châu Phi giữa tháng 11/2021. Biến thể này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 tuyên bố thuộc nhóm biến chủng "đáng lo ngại" vì có khả năng lây lan nhanh hơn đáng kể các biến chủng khác. Biến chủng Omicron có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai.
Theo số liệu mới nhất của WHO công bố, biến thể Omicon hiện đã lây lan tới 89 quốc gia. Omicron lây lan rất nhanh, song hiện chưa có số liệu chính xác về mức độ nghiêm trọng của bệnh mà biến thể này gây ra. Ngày 13/12, Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể này.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch.
T.H (th)