Những đối tượng dễ bị tổn thương khi gặp phải thiên tai gồm những ai?
Những đối tượng dễ bị tổn thương khi gặp phải thiên tai gồm những ai? Hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra được quy định ra sao?
Những đối tượng dễ bị tổn thương khi gặp phải thiên tai gồm những ai?
Theo khoản 4 Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai 2013, sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023 đã nêu giải thích như sau:
Đối tượng dễ bị tổn thương là người, nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng.
Đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật
Những đối tượng dễ bị tổn thương khi gặp phải thiên tai gồm những ai? (Hình từ internet)
Hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khi có thiên tai xảy ra được quy định ra sao?
Căn cứ theo Điều 32 Luật Phòng chống thiên tai 2013, sửa đổi 2020 đã quy định như sau:
* Cứu trợ khẩn cấp được quy định như sau:
- Cứu trợ khẩn cấp được thực hiện trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra, tập trung vào thực hiện hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;
- Đối tượng được cứu trợ bao gồm cá nhân bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe, đặc biệt quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương;
- Nguồn lực cho cứu trợ khẩn cấp bao gồm lương thực, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước và môi trường thuộc dự trữ quốc gia; kinh phí dự phòng hằng năm từ ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.
* Hỗ trợ trung hạn được quy định như sau:
- Hỗ trợ trung hạn được thực hiện tiếp theo cứu trợ khẩn cấp, tập trung vào hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất; cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện các biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường; sửa chữa, khôi phục trụ sở, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại;
- Đối tượng được hỗ trợ trung hạn bao gồm tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có công trình quy định tại điểm a khoản này;
- Nguồn lực cho hỗ trợ trung hạn bao gồm lương thực, hàng hóa dự trữ của Nhà nước; ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.
* Hỗ trợ dài hạn được quy định như sau:
- Hỗ trợ dài hạn được thực hiện tiếp theo hỗ trợ trung hạn, tập trung vào việc sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, công trình hạ tầng công cộng; tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai;
- Đối tượng được hỗ trợ dài hạn bao gồm tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động công ích bị thiệt hại do thiên tai gây ra;
- Nguồn lực cho hỗ trợ dài hạn bao gồm ngân sách nhà nước và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế;
- Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ vào tình hình thiệt hại và mức độ thiên tai ở địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện.