Danh sách chuyển tiền hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 Yagi (Đợt 2)

18/09/2024 10:24

Mới đây, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố danh sách chuyển tiền hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 Yagi (Đợt 2).

Danh sách chuyển tiền hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 Yagi (Đợt 2)

Danh sách chuyển tiền hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 Yagi (Đợt 2) (Hình từ Internet)

Danh sách chuyển tiền hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 Yagi (Đợt 2)

Mới đây, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố danh sách chuyển tiền hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 Yagi (Đợt 2).

Theo danh sách nêu trên, các tỉnh được Ban Vận động Cứu trợ Trung ương - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển các khoản tiền hỗ trợ như sau:

- Lào Cai: 150 tỷ đồng;

- Yên Bái: 100 tỷ đồng.

- Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng được hỗ trợ mỗi địa phương 50 tỷ đồng;

- Tuyên Quang 35 tỷ đồng;

- Các tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Bắc Kạn được hỗ trợ mỗi tỉnh 25 tỷ đồng;

- Các tỉnh Bắc Giang, Hà Giang được hỗ trợ mỗi tỉnh 20 tỷ đồng;

- TP. Hà Nội và tỉnh Hưng Yên được hỗ trợ mỗi địa phương 10 tỷ đồng;

- Các tỉnh Điện Biên, Thái Bình; Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa được hỗ trợ mỗi tỉnh 5 tỷ đồng.

Được biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có các quyền và trách nhiệm như sau:

- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

- Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

- Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân.

(Điều 1 và Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015)

Tiền quyên góp ủng hộ vùng lũ lụt sẽ được chi vào những nội dung gì?

Nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể được chi theo các nội dung sau:

- Hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

- Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

- Hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân;

- Hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

- Dựng các lán trại tạm thời cho người dân do phải di dời hoặc bị mất nhà ở;

- Vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở khu vực bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố;

- Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh;

- Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp;

- Hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại;

- Hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố; các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế; người dân gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản hỗ trợ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Ngoài ra, sau khi đã ưu tiên sử dụng theo các nội dung chi nêu trên mà kinh phí vận động đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh còn dư, Ủy ban nhân dân thống nhất với Ban Vận động cùng cấp để quyết định thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các địa phương vùng bị thiên tai, dịch bệnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của cuộc vận động.

Trường hợp khoản đóng góp tự nguyện có địa chỉ cụ thể theo cam kết để sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu và các nội dung khác thì tổ chức, cá nhân đóng góp có trách nhiệm thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế, quy mô, chất lượng, tiến độ sửa chữa, xây dựng công trình và phù hợp với các quy hoạch liên quan theo quy định hiện hành.

(Điều 11 Nghị định 93/2021/NĐ-CP)