Diễn viên Kiều Anh: Ở tâm lũ tôi thấy rõ sự sống và cái chết
Quyết định lên Tuyên Quang hỗ trợ cho bà con vùng lũ ngay khi vừa trở về từ Thái Nguyên, bố mẹ diễn viên Kiều Anh rất lo lắng, khuyên con gái không nên đi nhưng cô vẫn quyết tâm lên đường.
Trong 4 ngày liền tôi gần như không ăn uống được gì
- Sau khi hoàn thành hai chuyến cứu trợ bà con vùng lũ ở Thái Nguyên và Tuyên Quang, tình hình sức khỏe hiện giờ của chị thế nào?
Đến hôm nay sức khỏe của Kiều Anh đã tạm hồi phục. 4 ngày đi cứu trợ chúng tôi gần như không ăn uống được gì và ai cũng mệt, người gần như đơ ra. Cách đây 3 hôm tôi mới lết về đến nhà và cảm giác kiệt quệ sức khỏe. Sau đó, tôi phải quay phim trở lại nên thực sự đuối. Hiện sau 1 ngày nghỉ ngơi thấy hồi sức được chút. Làm từ thiện là việc cá nhân nên tôi rất lo lắng và mệt hơn bình thường do phải quán xuyến mọi thứ như một trưởng đoàn. Nhìn lại tôi cũng phục mình và thấy may mắn vì đã an toàn trở về.
- Khi quyết định lên đường vào tâm lũ chị có dự đoán trước những khó khăn mà đoàn từ thiện phải đối mặt?
Chúng tôi không nghĩ gì, chỉ đơn giản cho rằng thay vì ngồi khóc thương thì lên đường luôn vì lúc đó rất sốt ruột. Thái Nguyên quê tôi chưa bao giờ bị như vậy nên hơi hoảng nhưng vì đường sá khá rành nên cứ lao về thôi. Nhưng rất may là người nhà ở Thái Nguyên không ai bị ảnh hưởng và cùng tôi cứu trợ.
Ban đầu tôi nhờ mọi người gom nước và sữa ở Thái Nguyên, thiếu gì tôi chủ động mua từ Hà Nội. Tôi không mua mì tôm mà chuẩn bị xúc xích, cơm cháy, áo mưa, nước, sữa - là những thứ mọi người đang cần nhất. Vì chưa bao giờ tham gia cứu trợ nên tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, chỉ biết là bà con đang cần mình thì lên đường.
- Địa hình Thái Nguyên quá thân thuộc nhưng sau đó chị lại quyết định đi cứu trợ tiếp ở Tuyên Quang - một nơi lạ nước lạ cái, chị phải chuẩn bị như thế nào cho chuyến đi chưa từng có trong kế hoạch?
Lúc quyết định đi tôi nghĩ sẽ rất ít người dám lên Tuyên Quang bởi mức độ nguy hiểm lớn hơn nhiều. Nhưng chính vì vậy nên tôi càng quyết tâm. Tôi liên lạc với diễn viên Hồng Đăng - những người đang ở trên đó cứu trợ - để nắm tình hình và được biết có thể đi được qua cao tốc. Tôi gọi điện cho cán bộ Sở Văn hóa, Hội Chữ thập đỏ nhưng không được vì gia đình họ cũng bị cô lập.
Khi tôi đăng bài trên Facebook thì một anh ở Thành đoàn hỏi tôi cần hỗ trợ gì không để liên lạc với chính quyền. Thành đoàn nói nếu cần sẽ đón đoàn tôi ở đầu đường cao tốc. Lúc chuẩn bị đi, hết bố với mẹ nhắn tin nói: "Con ơi không đi được đâu và hãy để cơ quan chức năng làm việc".
Lúc đó thực sự tôi cũng thấy sợ, thấy sự sống và cái chết rất rõ ràng chứ không chỉ đơn thuần là mang đồ lên cứu trợ cho vùng lũ. Nhưng tôi muốn đích thân đến xem tình hình ra sao để còn nói với mọi người cách cứu trợ cho hợp lý. Rất may sau 8 tiếng, tới sáng hôm sau thì nắng lên và nước rút hơn 1m.
Tuy nhiên, nhiều nhà đã ngập 4-5 ngày trong nước lũ và không đi lại được. Trong khi đó, mỗi chiếc thuyền chỉ đưa được chút đồ ăn, cứ như con kiến tha từng chút một. Mỗi gia đình được hỗ trợ chỉ cầm cự thêm 1 ngày giữa vùng lũ. Lúc đói người ta không cần tiền, chỉ cần một miếng lương khô và nước nên dù mang nước rất nặng nhưng bắt buộc phải có. Càng nhiều đoàn cứu trợ người dân càng có đồ ăn dự trữ để cầm cự qua 1 tuần hay 10 ngày, yên tâm chờ nước rút để dọn dẹp nhà cửa và sau đó có thể tự chủ việc ăn uống.
- Kinh nghiệm từ đợt cứu trợ ở Thái Nguyên có giúp chị được nhiều khi tới Tuyên Quang?
Trong đợt đầu, tôi đi cứu trợ cùng mọi người trong gia đình ở Thái Nguyên còn đợt 2 ở Tuyên Quang thì có sự hỗ trợ của bạn bè. Cả hai chuyến đi này đều có những người bạn góp sức cũng như tiền bạc.
Ở Thái Nguyên tôi có người chị giúp kiếm cho một chiếc xe cẩu nên mới đi xa được và cần gì là anh em ở nhà có thể hỗ trợ. Nhưng nếu lên Tuyên Quang không có chính quyền hỗ trợ thì không biết đâu mà lần. Khi Thành đoàn gọi, chúng tôi nói cần 8 thanh niên biết bơi để nếu thuyền không chuyển được các bạn ấy sẽ giúp mang đồ ăn vào khu vực bị cô lập cho người dân bởi nước ngập tới cổ.
Lúc đầu tôi còn định làm bè ở Hà Nội mang xuống Tuyên Quang nhưng không kịp song may mắn là Thành đoàn cho mượn xuồng, đến nơi được người dân cho mượn bè mảng. Lúc đó không chỉ riêng tôi mà rất đông người xuống cứu trợ, tất cả đều đi bằng cái tâm của mình.
- Ngoài công sức và thời gian cũng như huy động các mối quan hệ và sự giúp đỡ của nhiều người, bản thân Kiều Anh đã bỏ ra bao nhiêu tiền đi cứu trợ 2 đợt vừa qua?
Tôi bỏ ra khoảng 40 triệu đồng. Nếu chỉ ở nhà mà chuyển khoản ủng hộ chừng đó tiền sẽ đỡ vất vả hơn nhiều việc trực tiếp tham gia cứu trợ. Nhưng đúng là đi rồi tôi mới hiểu là đáng đi. Nhà bạn đang bị cô lập, đói hay không chưa cần biết nhưng bạn sẽ hoảng, ít nhất có vài chiếc thuyền ra vào hỗ trợ cảm giác đỡ hoang mang và thấy mình không bị bỏ rơi.
Ai nói thế nào tôi cũng không quan tâm
- Có hoàn cảnh nào đặc biệt của người dân vùng lũ khiến chị ám ảnh?
Lên Tuyên Quang tôi thấy nhiều người rất khổ, có người vừa sinh con xong mà 3 ngày không có cơm ăn. Nhiều hộ nghèo, giờ tiếp tục tay trắng. Có gia đình mất hết vì nước ngập tới mái nhà, không còn cứu được gì. Người dân đã nghèo lại càng khốn khó. Vì thế khi đi cứu trợ tôi luôn hỏi ở đâu bà con đang khó nhất và chưa ai đến thì mình đi.
- Nhiều người nói vui Kiều Anh sao khỏe thế, vừa đi cứu trợ 2 nơi quần quật như thế đã lại về Hà Nội hiến máu rồi...
Tôi kêu gọi đi hiến máu mà đến nơi thì không đủ máu để hiến. Hiện tôi còn phải uống thuốc bổ máu nên bác sĩ hẹn lần sau.
- Trong đợt thiên tai này, ai đóng góp công hay của bao nhiêu cũng quý nhưng có người nổi tiếng đi làm từ thiện không đúng chỗ, chỉ một sai sót nhỏ cũng bị rêu rao bình phẩm . Còn Kiều Anh khi đi làm từ thiện chị có ngại bất cứ luồng ý kiến trái chiều nào?
Nếu làm thật không sợ gì hết. Tôi tránh để người ta nói đến mình nhưng cũng không sợ gì cả. Ai nói thế nào tôi cũng không quan tâm. Nhưng tôi nghĩ mọi người bình luận gì cũng nên tích cực để rút kinh nghiệm cho những lần sau hỗ trợ bà con hiệu quả hơn.