Đau ngực lâu không khỏi, đi khám phát hiện khối u lồng ngực
Người phụ nữ quê Hà Nam là ca bệnh đầu tiên tại Đông Nam Á được sử dụng xương ức nhân tạo, lưới chống thoát vị cho tim phổi bằng vật liệu Titan.
Đau tức ngực trái nhiều tuần không khỏi, đặc biệt đau tăng lên khi hít thở, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, người phụ nữ 55 tuổi (quê Hà Nam) đến bệnh viện tỉnh khám, phát hiện khối u lồng ngực (u trung thất trước).
Người này được chuyển lên Hà Nội. Bác sĩ kiểm tra phát hiện khối u trung thất kích thước lớn, lên tới 11,5 cm, xâm lấn phức tạp vào thành ngực trái, xương sườn số 2, 3, 4, thùy trên phổi trái và một phần xương ức, gây chèn ép nghiêm trọng lên tim, phổi và các cơ quan xung quanh.
GS.TS.BS Trần Trung Dũng, Giám đốc chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình & Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Vinmec nhận định, ca bệnh được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn, điều trị bằng hóa chất và xạ trị không hiệu quả, chỉ có thể giải quyết bằng phẫu thuật cắt rộng u kèm theo xương ức và các xương sườn lân cận.
Ngoài việc triệt căn khối u, người bệnh cần được tái tạo thành ngực nhằm bảo vệ chức năng tim, phổi sau phẫu thuật. Nếu không được tái tạo đúng cách, nguy cơ suy giảm hô hấp và chấn thương các cơ quan nội tạng sẽ tăng cao.
Sau ca mổ loại bỏ hoàn toàn khối u trung thất xâm lấn vùng lồng ngực. Ngày 11/9, ca mổ tái tạo toàn bộ ngực trái cho bệnh nhân diễn ra thành công sau gần 3 giờ. Ở lần phẫu thuật này, các bác sĩ tập trung vào việc khôi phục cấu trúc giải phẫu vùng ngực, đảm bảo chức năng hô hấp và bảo vệ cần thiết cho các cơ quan nội tạng quan trọng.
Ngay trong quá trình phẫu thuật, miếng ghép đã được kiểm tra chức năng. Độ vừa vặn đạt 99% và đảm bảo khả năng hô hấp bình thường cho bệnh nhân. Chỉ một ngày sau mổ, bệnh nhân có thể ngồi dậy và trò chuyện bình thường, phục hồi sức khỏe tốt và xuất viện chỉ sau năm ngày.
“Sự chính xác của ca mổ nhờ công nghệ 3D, cùng kỹ thuật giảm đau tiên tiến ESP, đã rút ngắn thời gian phẫu thuật và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, với thời gian lưu viện giảm chỉ còn một nửa so với thông thường”, GS.TS.BS Trần Trung Dũng cho hay.
Theo các báo cáo khoa học đã công bố, trong 10 năm qua, khoảng 50 ca tạo hình khuyết hổng lồng ngực 3D sử dụng vật liệu hợp kim của Titan ở Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc.
“Bệnh nhân nữ 55 tuổi này là ca bệnh đầu tiên tại Đông Nam Á được sử dụng xương ức nhân tạo, lưới chống thoát vị cho tim phổi thiết kế hoàn chỉnh và in 3D vật liệu Titan, không tích hợp hay pha trộn chất liệu khác”, GS Dũng nói.
Thành công của ca phẫu thuật không chỉ tạo nên bước ngoặt trong lĩnh vực phục hồi các khuyết hổng ngực lớn tại Việt Nam mà còn mở ra cơ hội lớn trong các lĩnh vực khác, như tái tạo khuyết hổng hàm mặt, tái tạo mô mềm, và can thiệp stent chính xác, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian phục hồi cho bệnh nhân.