Những hình ảnh đầu tiên về phiên tòa bà Trương Mỹ Lan lần thứ 2
Sáng nay (19-9), TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 đối với vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Phiên xét xử lần này tiếp tục làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm. Các bị cáo bị cáo buộc tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Từ sáng sớm, công tác an ninh cho phiên xử đã được thắt chặt để đảm bảo trật tự và an toàn cho các bên tham dự. Lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiêm ngặt, từ kiểm soát người ra vào đến giám sát khu vực xung quanh tòa án.
Ngoài việc siết chặt an ninh, các biện pháp bảo vệ tại phiên tòa cũng được nâng cao, bao gồm việc kiểm tra kỹ lưỡng giấy tờ, hành lý và phương tiện ra vào khu vực tòa án.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Hà, cùng với thẩm phán ông Vũ Hoài Nam và 3 hội thẩm nhân dân tham gia xét xử. Ngoài ra, phiên tòa có sự tham gia của 2 thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Văn Hà và ông Phạm Viết Hùng.
Đại diện VKSND TP HCM gồm có ông Vũ Tất Ba, ông Đào Lê Văn, ông Nguyễn Hồng Hiệp, bà Bùi Thanh Hằng và bà Lê Trương Hà Linh. Kiểm sát viên dự khuyết của phiên tòa là ông Nguyễn Việt Dũng.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, có gần 100 luật sư tham dự phiên tòa, đại diện bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho những người liên quan. Bên cạnh đó, tòa án còn triệu tập hơn 500 tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để làm rõ các khía cạnh pháp lý của vụ án.
Để chuẩn bị cho phiên xét xử, TAND TP HCM đã bố trí thêm gần 1.000 chỗ ngồi tại khu vực sân tòa án. Đặc biệt, tòa án đã lắp đặt màn hình LED lớn để truyền trực tiếp hình ảnh và âm thanh từ bên trong phòng xử án ra khu vực bên ngoài.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2020, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo một loạt các hành vi gian dối, bao gồm việc phát hành 308.691.388 trái phiếu "khống" thông qua các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, với tổng giá trị hơn 30.000 tỉ đồng. Số trái phiếu này được phát hành nhằm huy động vốn từ 35.824 nhà đầu tư nhưng sau đó số tiền này lại không được sử dụng cho mục đích ban đầu mà được chuyển sang các mục tiêu khác, khiến các công ty này mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.
Từ năm 2018 đến tháng 10-2022, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 445.000 tỉ đồng thông qua nhiều hành vi gian lận và phát hành trái phiếu bất hợp pháp. Bà Lan cũng chỉ đạo việc rút và chuyển số tiền này ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB nhằm che giấu nguồn gốc phi pháp của tài sản, sử dụng số tiền để chi trả các khoản nợ nội bộ và chuyển tiền ra nước ngoài thông qua các hợp đồng mua bán và tư vấn "khống".
Từ năm 2012 - 2022, thông qua các hợp đồng "khống", nhóm của Trương Mỹ Lan đã chuyển một số lượng tiền khổng lồ, ước tính khoảng 4,5 tỉ USD (tương đương hơn 106.000 tỉ đồng), từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Một số hình ảnh đầu tiên tại phiên tòa:
Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử, vào ngày 11-4-2024, TAND TP HCM đã tuyên án sơ thẩm đối với bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
HĐXX đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội "Tham ô tài sản"; 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng"; 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp hình phạt chung cho bà Lan là mức án tử hình. Sau khi nhận bản án sơ thẩm, từ trại giam, bà Trương Mỹ Lan đã có đơn kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án.