Sản xuất, mua bán trái phép chất độc xyanua bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

19/09/2024 09:03

Đối với người có hành vi sản xuất, mua bán trái phép chất độc xyanua có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Sản xuất, mua bán trái phép chất độc xyanua bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Sản xuất, mua bán trái phép chất độc xyanua bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào? (Hình từ Internet)

1. Xyanua là chất cực độc

Theo Quy trình công nghệ tiêu huỷ hoặc tái sử dụng Xyanua ban hành kèm theo Quyết định 1971/1999/QĐ-BKHCNMT thì xyanua là một chất loại cực độc nhưng nó lại được sử dụng phổ biến trong sản xuất, vì vậy nếu không có những quy chế chặt chẽ và có tính khả thi trong các khâu nhập khẩu, lưu thông phân phối, bảo quản, sử dụng và kiểm soát ô nhiễm, xyanua có thể gây tác hại lớn cho môi trường và sức khỏe con người.

Hàng năm, ở nước ta đã xảy ra rất nhiều vụ ngộ độc xyanua như: sử dụng xyanua đầu độc nhau, do làm việc ở nơi có nồng độ HCN, (CN)2 cao mà không có phương tiện bảo hộ hoặc do không thận trọng. Mặt khác, những vùng khai thác, đào đãi vàng bừa bãi trái phép, các cơ sở mạ thủ công là những nơi thải chất độc xyanua vào đất, nước gây ô nhiễm môi trường, huỷ diệt các loài sinh vật. Do đó việc xây dựng và ban hành một quy trình công nghệ xử lý tiêu huỷ hoặc tái sử dụng xyanua là một việc làm cấp bách đáp ứng yêu cầu thực tế.

Quy trình công nghệ tiêu huỷ hoặc tái sử dụng Xyanua ban hành kèm theo Quyết định 1971/1999/QĐ-BKHCNMT bao gồm các nội dung sau:

- Tính chất lý, hoá học và độc tính của axit xyanhydric và xyanua.

- Các phương pháp kiểm nghiệm axit xyanhydric và xyanua.

- Nguồn gốc sự tồn đọng xyanua gây ô nhiễm môi trường trong khai thác vàng.

- Các phương pháp tiêu huỷ xyanua

- Quy trình công nghệ tiêu huỷ hoặc tái sinh xyanua để sử dụng lại.

2. Sản xuất, mua bán trái phép chất độc xyanua bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

Đối với hành vi sản xuất hoặc mua bán trái phép chất độc xyanua mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với mức hình phạt như sau:

* Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

- Có tổ chức;

- Vật phạm pháp có số lượng lớn;

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

- Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

- Tái phạm nguy hiểm.

* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

- Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

- Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

* Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.