Dự kiến sửa đổi 6 nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH
Thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ LĐTBXH xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi 6 nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước.
Dự kiến sửa đổi 6 nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH (Hình từ Internet)
Dự kiến sửa đổi 6 nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTBXH
Theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ sửa đổi 6 nghị định trong các lĩnh vực: Bảo trợ xã hội; Trẻ em; Quản lý lao động ngoài nước; Quan hệ lao động và tiền lương; Việc làm; Phòng, chống tệ nạn xã hội để sửa đổi 12 thủ tục hành chính nhằm bãi bỏ các quy định về yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp. Theo Dự thảo Nghị định, sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 15 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
“Trong trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các sáng lập viên, hoặc cá nhân được xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử đã được cấp trên ứng dụng định danh và xác thực điện từ VNeID.”
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 46 như sau:
“Trong trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các sáng lập viên, hoặc cá nhân; hoặc cá nhân được xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử đã được cấp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID.”.
Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 41 của Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em:
“Trong trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cả nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế không phải là người thân thích của trẻ em để hoàn thiện hồ sơ, hoặc cá nhân được xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp bàn điện tử đã được cấp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID.”
Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 7 Nghị định 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
“c) 01 bản sao bằng cấp chuyên môn và 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm (quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ; hoặc cả nhân được xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử đã được cấp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VneID;”
Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 24 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, cụ thể như sau:
“3. Trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cá nhân để hoàn thiện hồ sơ; hoặc cá nhân được xuất trình Phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử đã được cấp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID. Trường hợp người đại diện là người nước ngoài không thuộc đối tượng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì được thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp tại quốc gia mang quốc tịch.
Các văn bản nêu tại khoản này được cấp trước ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng. Văn bản bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.”
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định 23/2021/NĐ-CP, Nghị định 116/2021/NĐ-CP.