Bổ sung quy định xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể
Dưới đây là nội dung quy định xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể theo Nghị định 114/2024/NĐ-CP.
Bổ sung quy định xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể (Hình từ internet)
Ngày 15/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017.
Bổ sung quy định xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể
Theo khoản 27 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP đã bổ sung Điều 35b vào Nghị định 151/2017/NĐ-CP, quy định về xử lý tài sản công trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể như sau:
- Cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể có trách nhiệm thực hiện kiểm kê, phân loại đối với tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của cơ quan; chịu trách nhiệm xử lý tài sản phát hiện thừa/thiếu qua kiểm kê theo quy định của pháp luật. Đối với tài sản không phải của cơ quan (tài sản nhận giữ hộ, tài sản mượn, tài sản thuê của tổ chức, cá nhân khác...), cơ quan nhà nước thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Trường hợp sáp nhập, hợp nhất thì pháp nhân mới sau khi sáp nhập, hợp nhất được kế thừa quyền quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan bị sáp nhập, hợp nhất. Sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất, pháp nhân mới có trách nhiệm bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; đối với tài sản dôi dư hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151/2017/NĐ-CP, pháp nhân mới có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định. Đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi sáp nhập, hợp nhất mà đến thời điểm sáp nhập, hợp nhất, cơ quan nhà nước bị sáp nhập, hợp nhất chưa xử lý xong thì pháp nhân mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nội dung chưa thực hiện.
- Trường hợp chia tách, cơ quan nhà nước thuộc đối tượng thực hiện chia tách có trách nhiệm lập phương án phân chia tài sản hiện có và phân công trách nhiệm xử lý các tài sản đang xử lý dở dang cho các pháp nhân mới sau khi chia tách, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chia tách; phê duyệt khi ban hành Quyết định chia tách. Sau khi hoàn thành việc chia tách, các pháp nhân mới có trách nhiệm bố trí sử dụng tài sản theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành và hoàn thành việc xử lý các tài sản đang xử lý dở dang theo trách nhiệm được phân công; đối với tài sản dôi dư hoặc thuộc trường hợp phải xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151/2017/NĐ-CP, pháp nhân mới có trách nhiệm lập hồ sơ, báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định.
- Trường hợp giải thể, sau khi có Quyết định giải thể của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan nhà nước bị giải thể có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan quản lý cấp trên. Cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm căn cứ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 151/2017/NĐ-CP lập hồ sơ báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý, trên cơ sở đó tổ chức xử lý tài sản theo quy định. Đối với các tài sản đã có Quyết định xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền trước khi giải thể mà đến thời điểm giải thể, cơ quan nhà nước bị giải thể chưa xử lý xong thì cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nội dung chưa thực hiện.
Sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công từ ngày 30/10/2024
Theo Điều 28 Nghị định 151/2017/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP), thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 được quy định như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản công là tài sản cố định tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
- Người đứng đầu cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công quyết định thanh lý đối với:
+ Tài sản công là tài sản cố định theo thẩm quyền do của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
+ Tài sản công không phải là tài sản cố định.
Xem thêm tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.
Xem thêm nội dung tại Nghị định 114/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/10/2024.