Người nhiễm biến thể Omicron thường có những triệu chứng gì?
PLBĐ - Đến thời điểm hiện tại, hầu hết người nhiễm biến thể Omicron đều có các triệu chứng ở mức nhẹ với những cơn ho khan là phổ biến nhất.
Mới đây, Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Anh đã công bố ho khan và ngứa họng là những triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Báo cáo cũng nhận định, Omicron lây lan nhanh hơn các biến thể trước. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều trường hợp nhiễm biến thể này phải nhập viện và chưa ghi nhận ca tử vong.
Theo báo cáo, ho là triệu chứng chung nhất, xuất hiện ở 89% những ca nhiễm biến thể Omicron. Các nhà nghiên cứu Nam Phi mô tả đó là những cơn ho khan, kèm theo ngứa ngáy cổ họng.
"Các triệu chứng dự kiến sẽ nhẹ hơn ở những người đã tiêm vaccine và từng nhiễm SARS-CoV-2 so với những người chưa chủng ngừa", báo cáo viết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng đặc điểm của các trường hợp được mô tả trong báo cáo có thể chưa khái quát được hết thực tế. Cụ thể, trong số 43 ca nhiễm biến thể Omicron được nghiên cứu, có 7% là không triệu chứng hoặc triệu chứng "không rõ". Có 93% số ca xuất hiện triệu chứng, trong đó các triệu chứng nổi bật nhất là ho (89%), mệt mỏi (65%), nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi (59%). Các triệu chứng khác cũng xuất hiện là khó thở (16%), tiêu chảy (11%), mất vị giác hoặc khứu giác (8%).
Báo cáo cảnh báo dù đa số các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên việc biến thể có khả năng lây lan nhanh có thể gây quá tải cho hệ thống y tế.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/12 cho biết, hiện hầu hết các ca nhiễm Omicron đều chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về độc lực của biến thể này.
WHO cho rằng biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19, nhưng chủng này có khả năng ít nguy hiểm hơn Delta.
"Đã có một số dữ liệu hạn chế và chưa được bình duyệt về hiệu quả của vaccine đối với biến thể Omicron. Sự thay đổi đáng kể trên protein gai của Omicron cho thấy vaccine có thể bị giảm tác dụng ngăn ngừa nhiễm bệnh và hạn chế lây truyền", theo báo cáo của WHO.
Chủng Omicron mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên là Omicron và xếp vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại" hôm 26/11. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng xếp biến Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", bên cạnh các biến chủng được phát hiện từ trước gồm Beta, Gamma và Delta.
Biến chủng Omicron có tên ban đầu là B.1.1.529, xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana. Tính đến ngày 9/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 63 quốc gia,. Trong đó, tốc độ lây lan nhanh hơn được ghi nhận tại Nam Phi (nơi chủng Delta ít phổ biến hơn) và tại Anh (nơi Delta là chủng chủ đạo của các các lây nhiễm COVID-19).
Biến chủng Omicron gây lo ngại vì có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn.
Hiện, các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đang nghiên cứu phát triển các loại vaccine đặc hiệu chống lại biến thể Omicron. Trong đó, hãng sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech đã cho biết việc tiêm chủng 3 liều vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron.
Hiện, các nước có nguồn cung vaccine dồi dào như Anh, Pháp đã khuyến khích người dân đi tiêm liều tăng cường để đối phó với biến thể Omicron.
T.H (th)