Ông Lê Đức Thọ nộp tiền khắc phục hậu quả như thế nào?

Mạnh Hùng 19/09/2024 23:00

Trong vụ án Xuyên Việt Oil, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ và gia đình nộp 16,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, em trai bị can Thọ cũng đã tự nguyện giao nộp 440.000 USD mà cựu Bí thư này đã gửi trước đó.

leductho-2-.png
Bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre.

Theo cáo trạng của VKSNDTC, bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhận hối lộ 2 lần với tổng số hơn 13 tỷ đồng; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 3 lần với tổng số tiền lên tới hơn 22 tỷ đồng.

Ngoài số tiền và tài sản nhận được do lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thúc đẩy giám đốc ngân hàng chi nhánh Bến Tre giải quyết khoản vay cho Công ty Xuyên Viet Oil trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị can Lê Đức Thọ còn được Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh nhiều lần gửi tiền, quà chúc mừng sinh nhật, chúc mừng bị can Thọ về làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cảm ơn ông Thọ đã tư vấn cho bà Hạnh trong việc quản trị hoạt động của công ty.

Theo đó, số quà biếu này gồm: 200.000 USD và 300 triệu đồng; 3 đồng hồ Patek Philippe (tổng trị giá 355.000 USD).

Đối với số tiền và tài sản này, Cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Đức Thọ. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã thu giữ để khắc phục hậu quả vụ án, vì cho rằng đây là số tiền mà bà Hạnh phạm tội mà có.

Nói về số tiền 400.000 USD và 300 triệu đồng đã nhận của bà Hạnh, ông Thọ khai đã sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Về tổng số tiền hơn 1 triệu USD mà ông Thọ đã nhận của bà Mai Thị Hồng Hạnh (bao gồm khoản bà Hạnh tặng ông Thọ và khoản ông Thọ nhận hối lộ), cựu Bí thư Bến Tre khai đã gửi 440.000 USD tại nhà em trai. Em trai bị can Thọ đã tự nguyện giao nộp lại cho Cơ quan điều tra theo biên bản giao nhận tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử hồi 20 giờ ngày 15/12/2023.

Trong giai đoạn điều tra, cựu Bí thư Bến Tre đã tự nguyện nộp số tiền 2,2 tỷ đồng và xin sử dụng số tiền đang bị tạm giữ để khắc phục hậu quả.

Đến nay, ông Lê Đức Thọ và gia đình đã nộp 16,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. VKSNDTC cho rằng, ông Thọ đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án.

Bản thân bị can là người có thành tích xuất sắc trong công tác, có Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen, giấy khen của Ngân hàng Nhà nước; nhiều tổ chức, cá nhân xin giảm nhẹ hình phạt. Vì vậy, theo VKSNDTC, bị can Lê Đức Thọ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s, t, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS.

Ngoài cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, các bị can khác cũng nộp tiền khắc phục hậu quả.

Cụ thể: Bị can Đỗ Thắng Hải (nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương) đã nộp 730 triệu đồng; bị can Đặng Công Khôi (nguyên Cục Phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) đã nộp 20.000 USD (tương đương 499 triệu đồng). bị can Phan Kiến Anh (nguyên Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn) đã nộp 50.000 USD và 509 triệu đồng; bị can Lê Duy Minh (nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh) đã nộp 2,9 tỷ đồng.

Bị can Hoàng Anh Tuấn (nguyên Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) nộp 105.000 USD; bị can Nguyễn Lộc An (nguyên Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) nộp 100 triệu đồng.

Bị can Trần Duy Đông nộp lại toàn bộ 120.000 USD (tương đương hơn 3 tỷ đồng) đã nhận.

Mạnh Hùng