Xác định địa giới đơn vị hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng

20/09/2024 09:11

Ngày 18/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại.

Xác định địa giới đơn vị hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng

Xác định địa giới đơn vị hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng (Hình từ internet)

1. Xác định địa giới đơn vị hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng

Theo đó, xác định địa giới đơn vị hành chính giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng do lịch sử để lại như sau:

- Đường địa giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng tại khu vực núi Hải Vân và hòn Sơn Chà giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nằm trên 02 mảnh bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia VN-2000, tỷ lệ 1:10.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập năm 2009, có phiên hiệu là E-49-85-C-b-1 và E-49-85-C-b-2 (bản đồ kèm theo); đường địa giới được xác định từ đỉnh cao 691,5 m (là điểm địa giới đã được hai tỉnh, thành phố thống nhất), theo hướng chung Đông Bắc, đường địa giới đi theo sống núi, qua các đỉnh cao 241,4 m; 341,8 m; 360,5 m đến đỉnh cao 295,3 m; chuyển hướng Đông - Đông Nam, sau chuyển hướng Đông - Đông Bắc, đường địa giới đi theo sống núi, qua các đỉnh cao 253,9 m; 207,2 m; 196,0 m; 246,7 m; 256,3 m; 257,8 m; 256,3 m và tiếp tục đi theo sống núi đến mũi Cửa Khẻm, ra Biển Đông.

- Hòn Sơn Chà giao thành phố Đà Nẵng quản lý.

2. Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành kèm theo Quyết định 1745/QĐ-TTg thì đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể như sau:

- Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 09 đơn vị hành chính gồm:

+ 02 quận (trong đó thành phố Huế chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương).

+ 03 thị xã (thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thành lập thị xã Phong Điền).

+ 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

- Đến năm 2030, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương với 09 đơn vị hành chính gồm:

+ 03 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy).

+ 02 thị xã (Hương Trà, Phong Điền).

+ 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông).

Đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

- Tầm nhìn đến năm 2050: Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương với mô hình đô thị trung tâm gồm:

+ 04 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà).

+ 01 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện.

Tập trung xây dựng thành phố Chân Mây trở thành đô thị thông minh, hiện đại theo mô hình thành phố trong thành phố gắn với khu kinh tế biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.