Cựu Phó TGĐ Vạn Thịnh Phát: Không biết ai quản lý tiền phát hành trái phiếu
Bị cáo Hồ Bửu Phương khai tiền bán trái phiếu được sử dụng như thế nào, ai quản lý thì không rõ, chỉ đoán người có quyền cao nhất bà Trương Mỹ Lan.
Ngày 20/9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 bị cáo khác trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Bị cáo Hồ Bửu Phương, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là người đầu tiên được xét hỏi.
Theo cáo trạng, Hồ Bửu Phương được xác định là đầu mối yêu cầu các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuẩn bị hồ sơ pháp lý và báo cáo tài chính. Ông cũng phối hợp với Phan Chí Luân (nhân viên Văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát) để lên phương án "giải quỹ", từ đó tạo điều kiện cho việc chuyển tiền giữa các công ty. Phương bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan trong việc phát hành trái phiếu của các công ty An Đông, Quang Thuận và Sunny World, chiếm đoạt gần 28.000 tỉ đồng từ hơn 33.000 người bị hại.
Bị cáo Hồ Bửu Phương thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và cho rằng không có oan sai, nhưng phản đối việc bị cáo buộc là đồng phạm tích cực của Trương Mỹ Lan. Phương khai rằng ông chỉ là người làm công ăn lương, sử dụng chuyên môn để hỗ trợ phát hành trái phiếu theo chỉ đạo.
Bị cáo cho biết, quyết định phát hành trái phiếu được đưa ra trong một cuộc họp với Trương Mỹ Lan. Sau khi tiếp nhận chỉ đạo, các đơn vị thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã phối hợp với các bên liên quan để hoàn tất hồ sơ và phát hành trái phiếu đúng lộ trình.
Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận không nhận thức đầy đủ về khía cạnh pháp lý của hành vi này và không ngờ lượng người mua trái phiếu lại lớn như vậy. Hồ Bửu Phương cũng bày tỏ sự hối hận và khẳng định bản thân không hưởng lợi từ việc phát hành trái phiếu.
Cựu Phó tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai thêm rằng các gói trái phiếu phát hành đều không có tài sản đảm bảo. Để thực hiện quá trình phát hành, bị cáo đã chỉ đạo một số người trong tập đoàn thao túng dòng tiền khống nhằm đảm bảo đúng phương án phát hành. Phương thừa nhận rằng nếu không có tài sản đảm bảo, việc phát hành trái phiếu sẽ không thể thành công.
" Việc ký các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần giữa các công ty đối tác với các cá nhân thực chất chỉ là một kỹ thuật," Phương nói và thừa nhận đã hỗ trợ Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 27.000 tỷ đồng thu được từ việc phát hành trái phiếu của ba công ty.
Tuy nhiên, bị cáo khẳng định chỉ phụ trách phần đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu thành công, còn việc tiền bán trái phiếu "được sử dụng như thế nào, ai quản lý thì không rõ, chỉ đoán người có quyền cao nhất là chị Lan".
Tiếp theo, bị cáo Nguyễn Phương Anh, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (Công ty SPG), cũng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Bị cáo khai rằng mình chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và chủ yếu giám sát các kế toán viên thực hiện hoạt động tài chính tại các công ty "ma" thuộc nhóm Công ty SPG.
Theo lời khai của Phương Anh, bị cáo Hồ Bửu Phương đã chỉ đạo sử dụng 94 cá nhân thuê để ký các chứng từ nộp/rút khống, cũng như lập 5 hợp đồng hợp tác về việc Công ty An Đông cho Công ty SPG vay tổng cộng hơn 29.000 tỉ đồng. Phương Anh cũng phối hợp với Phan Chí Luân lên phương án hứa chuyển nhượng cổ phần cho các công ty SPG, Hoàng Gia Khải, và Song Thư nhằm hoàn tất chuỗi giao dịch giả, tạo lập dòng tiền khống cho trái phiếu.
Bị cáo Phương Anh khẳng định, ngoài mức lương hàng tháng, mình không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ việc phát hành trái phiếu.
Theo cáo buộc, hành vi của Nguyễn Phương Anh đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong việc phát hành trái phiếu tại bốn công ty: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra, chiếm đoạt hơn 30.081 tỷ đồng của hơn 35.000 người bị hại.