Hướng dẫn phân loại xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử

20/09/2024 22:45

Bài viết sau có nội dung về việc phân loại xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử được quy định trong Nghị định 195/2013/NĐ-CP.

Hướng dẫn phân loại xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử

Hướng dẫn phân loại xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn phân loại xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 195/2013/NĐ-CP thì việc phân loại xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử được thực hiện như sau:

- Xuất bản phẩm điện tử gồm 02 (hai) loại:

+ Được chuyển sang hình thức điện tử từ xuất bản phẩm đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác;

+ Được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác và có quyết định xuất bản của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

- Yêu cầu về nội dung và kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định 195/2013/NĐ-CP, bao gồm:

+ Nội dung không vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật xuất bản 2012 hoặc không bị đình chỉ phát hành, cấm lưu hành, thu hồi, tiêu hủy;

+ Nội dung đúng với xuất bản phẩm gốc đã được xuất bản hợp pháp tại Việt Nam;

+ Có định dạng số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về định dạng tệp tin, âm thanh, hình ảnh;

+ Có chữ ký số hợp pháp của người đứng đầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc phát hành.

- Yêu cầu về nội dung và kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Nghị định 195/2013/NĐ-CP, bao gồm:

+ Nội dung không vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật xuất bản 2012;

+ Đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định 195/2013/NĐ-CP và có chữ ký số hợp pháp của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản hoặc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.

2. Hướng dẫn nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử để kinh doanh

Việc nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử để kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 20 Nghị định 195/2013/NĐ-CP như sau:

- Cơ sở phát hành có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 14 Nghị định 195/2013/NĐ-CP được nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử để kinh doanh.

- Hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử để kinh doanh thực hiện theo quy định sau đây:

+ Trước khi nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử trong thiết bị lưu trữ dữ liệu, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải đăng ký nhập khẩu theo quy định tại Điều 39 Luật xuất bản 2012; trường hợp nhập khẩu qua mạng Internet thì phải lập danh mục xuất bản phẩm đã được nhập khẩu và đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông chậm nhất 10 ngày trước khi phát hành, kèm theo bản sao hợp đồng nhập khẩu hoặc chứng từ thanh toán;

+ Cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử phải tổ chức thẩm định nội dung xuất bản phẩm điện tử nhập khẩu trước khi phát hành theo quy định tại Điều 16 Nghị định 195/2013/NĐ-CP.

3. Hướng dẫn nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử

Theo Điều 21 Nghị định 195/2013/NĐ-CP thì việc nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử như sau:

- Khi nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định tại Điều 48 Luật xuất bản 2012, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được cấp giấy phép xuất bản phải nộp xuất bản phẩm điện tử dưới dạng 01 (một) bản ghi trong thiết bị lưu trữ dữ liệu hoặc nộp qua mạng Internet bằng định dạng số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vê định dạng tệp tin, âm thanh, hình ảnh và có chữ ký số kèm theo 02 (hai) tờ khai lưu chiểu theo mẫu quy định.

- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật, cách thức nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử.