Hướng dẫn chuyển đổi công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh

20/09/2024 21:45

Bài viết sau có nội dung về việc chuyển đổi công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh được quy định trong Nghị định 123/2013/NĐ-CP.

Hướng dẫn chuyển đổi công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh

Hướng dẫn chuyển đổi công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn chuyển đổi công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 123/2013/NĐ-CP thì việc chuyển đổi công ty luật trách nhiệm hữu hạn và công ty luật hợp danh được thực hiện như sau:

- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật hợp danh. Công ty luật hợp danh có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn.

- Hồ sơ chuyển đổi công ty luật được gửi đến Sở Tư pháp nơi công ty luật chuyển đổi đăng ký hoạt động. Hồ sơ gồm có:

+ Giấy đề nghị chuyển đổi trong đó nêu rõ mục đích, lý do chuyển đổi và cam kết về việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các công ty luật được chuyển đổi;

+ Dự thảo Điều lệ của công ty luật chuyển đổi;

+ Giấy đăng ký hoạt động của công ty luật được chuyển đổi;

+ Danh sách thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu; bản sao Thẻ luật sư của các luật sư thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu của công ty luật chuyển đổi;

+ Bản sao giấy tờ chứng minh về trụ sở trong trường hợp có thay đổi về trụ sở.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Thủ tục công bố nội dung đăng ký hoạt động của công ty luật chuyển đổi được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Luật luật sư 2006.

2. Quy định về công bố nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư

Việc công bố nội dung đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư được quy định cụ thể tại Điều 38 Luật luật sư 2006 như sau:

- Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động hoặc báo chuyên ngành luật trong ba số liên tiếp về những nội dung chính sau đây:

+ Tên tổ chức hành nghề luật sư;

+ Địa chỉ trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh, văn phòng giao dịch;

+ Lĩnh vực hành nghề;

+ Họ, tên, địa chỉ, số Chứng chỉ hành nghề luật sư của luật sư là Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật và các thành viên sáng lập khác;

+ Số Giấy đăng ký hoạt động, nơi đăng ký hoạt động, ngày, tháng, năm cấp Giấy đăng ký hoạt động.

- Trong trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải công bố những nội dung thay đổi đó trong thời hạn và theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật luật sư 2006.

3. Hướng dẫn thuê luật sư nước ngoài làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư

Tổ chức hành nghề luật sư có thể ký kết hợp đồng lao động thuê luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam làm việc cho tổ chức mình. Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài làm thuê cho tổ chức hành nghề luật sư được thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với Luật luật sư 2006 (sửa đổi 2012), Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động thuê luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động kèm theo hợp đồng lao động.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuê luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.

(Theo Điều 16 Nghị định 123/2013/NĐ-CP)