Những trường hợp nào được miễn thi ngoại ngữ khi thi công chức?
Theo Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, từ ngày 17/9/2024, có 3 trường hợp được miễn thi ngoại ngữ khi thi công chức. Đó là những trường hợp nào?
Những trường hợp nào được miễn phần thi ngoại ngữ khi thi công chức?
Nghị định số 116/2024/NĐ-CP quy định miễn phần thi ngoại ngữ tại phần II vòng 1 thi công chức đối với các trường hợp sau:
1- Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ theo đúng yêu cầu về ngoại ngữ của vị trí việc làm, cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
2- Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển, học tập ở nước ngoài bằng ngoại ngữ theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm hoặc học bằng tiếng nước ngoài theo đúng yêu cầu của vị trí việc làm ở Việt Nam, được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc đương nhiên được công nhận theo quy định của pháp luật;
3- Có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số; là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm liên quan trực tiếp đến người dân tộc thiểu số hoặc vị trí việc làm công tác tại vùng dân tộc thiểu số.
Quy định mới về thi tuyển công chức
Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/2/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Trong đó, Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 8 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về hình thức, nội dung và thời gian thi công chức.
Nghị định mới nêu rõ, thi công chức được thực hiện theo 2 vòng thi như sau:
Vòng 1: Thi công chức bằng trắc nghiệm trên máy vi tính; nội dung thi gồm 02 phần, cụ thể như sau:
Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; công chức, công vụ. Thời gian thi 60 phút;
Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu về ngoại ngữ dự thi đối với từng vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút. Đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi Phần II.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi; nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.
Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo quy định tại Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/2/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức mà kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn trong thời hạn tính đến ngày hết thời hạn nhận Phiếu đăng ký dự tuyển và đáp ứng yêu cầu về thang điểm theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 3 Nghị định này (nếu có) thì không phải dự thi vòng 1.
Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành
Hình thức thi: Viết hoặc kết hợp viết và phỏng vấn.
Đối với bài thi viết, nội dung thi: Người thi công chức được kiểm tra kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Thời gian thi 180 phút (không kể thời gian chép đề).
Căn cứ vào đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có thể tổ chức thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính, đồng thời quyết định số lượng câu hỏi phù hợp, bảo đảm số lượng tối thiểu 60 câu, tối đa 120 câu (theo hình thức câu hỏi trắc nghiệm). Thời gian thi tương ứng với tổng số câu hỏi, bảo đảm tối thiểu là 90 phút, tối đa là 180 phút.
Đối với bài thi phỏng vấn, nội dung thi phỏng vấn tập trung đánh giá về năng lực: tư duy, giao tiếp, phán đoán tình huống, học hỏi, phát triển, diễn đạt, thái độ và các năng lực khác theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi: Tối đa 30 phút.
Thang điểm bài thi viết: 100 điểm; bài thi phỏng vấn: 100 điểm.
Trường hợp thi viết bằng hình thức thi trên máy vi tính thì Hội đồng tuyển dụng (Ban đề thi) xây dựng các nhóm câu hỏi có mức độ phức tạp khác nhau và quyết định mức điểm tương ứng với từng câu hỏi.
Trường hợp lựa chọn hình thức thi kết hợp viết và phỏng vấn thì tổng điểm bài thi viết và bài thi phỏng vấn được quy đổi về thang điểm 100 theo tỷ lệ điểm của bài thi viết là 70%, của bài thi phỏng vấn là 30% (được làm tròn đến 02 chữ số thập phân).
Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì Hội đồng tuyển dụng phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có yêu cầu đặc thù cao hơn về nội dung, thời gian thi môn nghiệp vụ chuyên ngành so với quy định tại khoản này thì phải xác định cụ thể trong kế hoạch tuyển dụng.
Thi công chức là gì?
Thi công chức là quá trình chọn lọc, đánh giá và tuyển chọn những ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn để làm việc tại các cơ quan, bộ máy nhà nước và các tổ chức khác. Sau khi thi công chức đỗ và đáp ứng đủ tiêu chuẩn, họ sẽ được vào biên chế và từ đó nhận lương từ ngân sách nhà nước theo quy định.
Việc phân công vị trí và chức danh tương ứng cũng được thực hiện dựa trên nhiệm vụ và trách nhiệm trong cơ quan hoặc tổ chức. Hệ thống tính lương của công chức áp dụng hệ số lương cơ bản và các hệ số điều chỉnh khác để xác định mức lương. Các hệ số lương này dựa trên trình độ, kinh nghiệm làm việc và vị trí công chức của mỗi người. Do đó, mức lương của các công chức có thể khác nhau tùy thuộc vào trình độ và hiệu quả làm việc của từng người.
Quá trình tính toán và quản lý lương của công chức thường được thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước và đơn vị công lập, nhằm đảm bảo công bằng và minh bạch trong việc trả lương và đảm bảo hiệu quả và hài lòng trong công việc của họ.
Điều kiện để được thi công chức
Để được thi công chức, công dân phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể sau:
- Đủ 18 tuổi và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự: Điều này đảm bảo rằng người đăng ký thi công chức đã đủ tuổi và có khả năng hoạt động pháp lý.
- Là công dân Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam: Điều này yêu cầu người đăng ký là công dân Việt Nam và có địa chỉ cư trú hợp lệ tại Việt Nam.
- Đăng ký dự tuyển và có hồ sơ lý lịch rõ ràng: Người đăng ký phải nộp đơn đăng ký dự tuyển và cung cấp hồ sơ lý lịch cá nhân chi tiết, bao gồm thông tin về quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc, thành tích, và các thông tin liên quan khác.
- Có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp: Người đăng ký thi công chức phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc mà họ muốn ứng tuyển.
- Có sức khỏe phù hợp: Người đăng ký thi công chức cần có sức khỏe đủ để thực hiện công việc theo yêu cầu và nhiệm vụ được giao.
- Đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện tuyển dụng: Ngoài các điều kiện chung, từng vị trí công chức cụ thể có thể yêu cầu các tiêu chuẩn và điều kiện riêng, như kỹ năng, kinh nghiệm, hoặc đặc điểm chuyên môn đặc thù.
Quá trình thi công chức thông thường bao gồm công bố thông tin tuyển dụng, tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, kiểm tra năng lực, phỏng vấn và công bố kết quả. Quy trình chi tiết và yêu cầu cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào từng cơ quan và vị trí công chức.
Được miễn thi công chức trong trường hợp nào?
Đối tượng ưu tiên trong thi công chức được quy định trong Nghị định 138/2020/NĐ-CP bao gồm các điểm ưu tiên và đối tượng được cộng điểm ưu tiên.
Dưới đây là chi tiết về các điểm ưu tiên và đối tượng được áp dụng trong thi công chức:
- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
- Các đối tượng sau đây được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2 thi công chức:
+ Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên.
+ Người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.
+ Con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con anh hùng lực lượng vũ trang, con anh hùng lao động.
- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.
Trường hợp người dự thi công chức hoặc dự xét tuyển thuộc nhiều diện ưu tiên nêu trên, chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm vòng 2. Những điểm ưu tiên này được áp dụng nhằm đảm bảo quyền lợi và ưu tiên cho các đối tượng có công, có hoàn cảnh đặc biệt và những người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân và có đóng góp tích cực trong xã hội.