Cảnh giác với chiêu trò giả danh shipper lừa chuyển khoản
Giả danh shipper lừa đảo chuyển khoản để nhận hàng là hình thức lừa đảo mới nhưng đã khiến rất nhiều nạn nhân sập bẫy.
1. Thủ đoạn giả danh shipper lừa đảo
Theo cơ quan Công an, giả danh shipper lừa đảo chuyển khoản để nhận hàng là hình thức lừa đảo mới nhưng đã khiến rất nhiều nạn nhân sập bẫy.
Các đối tượng thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên mạng xã hội để thu thập thông tin khách hàng và sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai hoặc mua lại thông tin khách hàng qua các kênh khác.
Khi đã có được thông tin, các đối tượng lừa đảo sẽ giả danh là người giao hàng để gọi giao hàng vào giờ hành chính hoặc khi khách hàng không có nhà.
Nếu người nghe nói không nhận hàng được, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng để gửi hàng cho người quen, hàng xóm.
Sau khi nhận được tiền, chúng có thể sẽ tiếp tục dùng nhiều lý do như nhắn nhầm tài khoản thanh toán để hù dọa trừ tiền, sau đó lừa nạn nhân nhấn vào đường link có chứa "mã độc" để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tiền của nạn nhân rồi cắt đứt liên lạc.
Cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới để tránh "mắc bẫy" kẻ gian.
Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
2. Bị lừa đảo chuyển tiền cho shipper giả, có lấy lại tiền được không?
Việc tự mình lấy lại số tiền bị lừa đảo thường rất khó thực hiện bởi người bị hại không biết kẻ lừa đảo mình là ai, ở đâu để đòi.
Nếu là nạn nhân của lừa đảo, bạn nên trình báo ngay với cơ quan Công an để ngăn chặn việc lừa đảo tiếp tục xảy ra cũng như xử lý được kẻ lừa đảo và lấy lại số tiền đã bị lừa.
Để trình báo lừa đảo với cơ quan Công an, bạn cần thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng.
Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này tới Công an gần nhất để được giải quyết.
Để tố giác lừa đảo với cơ quan Công an, người dân cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn trình báo công an;
- Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân của bị hại (bản sao công chứng);
- Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội…).
Ngoài ra, người bị lừa đảo cũng có thể thông tin, trình báo qua các đường dây nóng của cơ quan Công an như:
- Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;
- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;
- Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/
- Đường dây nóng trình báo lừa đảo của Công an Thành phố Hồ Chí Minh: 08.3864.0508
3. Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?
Mức phạt hành chính
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lần đầu mà chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì chỉ bị phạt hành chính.Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ bị phạt từ 02 - 03 triệu đồng.
Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 04 - 06 triệu đồng theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144.Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14. Theo đó:
Khung 1: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội sau đây, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm:
- Cướp tài sản
- Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
- Cưỡng đoạt tài sản
- Cướp giật tài sản
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản
- Trộm cắp tài sản
- Lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản
- Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Khung 2: Phạt tù từ 02 - 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội có tổ chức;
- Có tính chất chuyên nghiệp;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
- Tái phạm nguy hiểm;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
Khung 3: Phạt tù từ 07 - 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng;
- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hình phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trên đây là các thông tin về chiêu trò giả danh shipper lừa đảo.Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.