“Tay to” âm thầm gom đất nền, đặt niềm tin giá sẽ tăng thêm một “nấc” mới từ đầu năm 2025
Không chỉ đất nền vùng ven Tp.HCM mà đất nền tỉnh lân cận đã xuất hiện các nhóm đầu tư “săn hàng” giá tốt. Thông tin bảng giá đất sắp được ban hành cùng với việc Nhà nước có thể đánh thuế là nguyên nhân đẩy niềm tin của nhà đầu tư tăng lên.
Chia sẻ mới đây, một môi giới kiêm nhà đầu tư bất động sản khu vực Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho biết, hiện có nhóm nhà đầu tư vẫn liên hệ tìm nguồn hàng đất nền giá tốt. Thương vụ giá trị lên đến hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng, mục đích gom nhiều nền đất để chờ cơ hội.
Theo môi giới này, có một số nhà đầu tư liên hệ môi giới tìm các lô đất với giá trị hàng chục tỉ đồng với ý định "cọc liền tay". Tiêu chí là giá tốt, vị trí đẹp, hàng ngộp. Tâm lý của nhà đầu tư có sẵn tài chính là gom hàng, chờ thời gian nữa bảng giá đất điều chỉnh ban hành, thị trường hồi phục, kì vọng giá sẽ bật tăng trở lại từ đầu năm 2025. “Họ có niềm tin rất lớn về việc giá tăng trong bối cảnh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường bất động sản”, môi giới này chia sẻ.
Bên cạnh đó, thị trường đã xuất hiện nhóm nhà đầu tư đổ số tiền lớn để mua gom bất động sản vì cho rằng Nhà nước sắp đánh thuế, giá đất sẽ còn tăng.
Mới đây, một số khu vực lân cận Tp.HCM đã bắt đầu ban hành bảng giá đất mới. Trước khi thông tư, hướng dẫn Luật mới ra đời, nhiều nhà đầu tư đã “ngó nghiêng” các tài sản ở vị trí tiềm năng. Họ vẫn ôm hàng và chờ tín hiệu từ thị trường.
Ngay cả khi hồ sơ đất đai tại Tp.HCM bị nghẽn để chờ bảng giá đất mới, thì động thái săn hàng của nhà đầu tư vẫn âm thầm diễn ra.
Theo tiết lộ của một môi giới tại khu Đông Tp.HCM, thị trường đã xuất hiện nhóm đầu tư đi gom hàng và ưu tiên mua các nền đất phân lô gần nhau. Các môi giới cũng bắt đầu được nhà đầu tư thúc giục tìm kiếm sản phẩm. Những nhà đầu tư ôm hàng lúc này hầu hết sẵn tiền mặt.
Ngoài ra, thị trường gần đây cũng đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu cơ găm hàng khi thấy sản phẩm khan hiếm, nhằm đẩy giá lên kiếm lợi nhuận cao. Theo các chuyên gia điều này thực sự không có lợi cho phát triển nền kinh tế.
Hiện hệ thống pháp luật chưa có cơ chế chính sách xác định kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất thổi giá. Đây cũng là nguyên nhân chính của tình trạng "sốt đất" diễn ra nhiều năm qua tại các địa phương, gây nên những hệ luỵ.
Thị trường bất động sản phía Nam được nhận định sẽ khó diễn ra các cơn sốt đất trong ngắn hạn. Song động thái gom hàng của nhà đầu tư chờ tăng giá cũng khiến mặt bằng giá có thể bật tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh nguồn hàng ra thị trường ngày càng khan hiếm.