Đề xuất mới về cơ cấu tổ chức Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội
Nội dung đề xuất cơ cấu tổ chức Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội đang được lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định.
Đề xuất mới về cơ cấu tổ chức Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội (Hình từ internet)
Mới đây, Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân phường của thành phố Hà Nội.
Đề xuất mới về cơ cấu tổ chức Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội
Cụ thể, tại dự thảo Nghị định đề xuất quy định chi tiết về tổ chức, hoạt động của Ủy ban nhân dân phường của thành phố Hà Nội (gọi tắt là Thành phố).
Trong đó, tại Điều 4 dự thảo Nghị định đã có đề xuất về cơ cấu tổ chức Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội, cụ thể:
(1) Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường được quy định như sau:
- Phường loại I có Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 06 chức danh công chức.
- Phường loại II có Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 06 chức danh công chức.
- Phường loại III có Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 06 chức danh công chức.
Sáu (06) chức danh công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường của Thành phố theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Luật Cán bộ, công chức năm 2008(sửa đổi, bổ sung năm 2019).
(2) UBND Thành phố căn cứ số lượng đơn vị hành chính phường có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng công chức khác làm việc tại Ủy ban nhân dân phường tăng thêm, cụ thể như sau:
- Phường cứ tăng thêm đủ 1/3 (một phần ba) mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 01 công chức.
- Ngoài quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị định, phường cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên thì được tăng thêm 01 công chức.
Hiện hành, tại Điều 6 Nghị định 32/2021/NĐ-CP quy định về cơ cấu tổ chức Ủy ban nhân dân phường ở Hà Nội như sau: - Cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường gồm: + Chủ tịch phường; + Phó Chủ tịch phường; + Trưởng Công an phường; + Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường; + Các công chức khác: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Văn hóa - Xã hội. - Công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường là người được tuyển dụng, bổ nhiệm giữ chức danh thuộc cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân phường (trừ điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 32/2021/NĐ-CP). |
Đề xuất quy định hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường
Tại Điều 5 dự thảo Nghị định cũng đã đề xuất quy định về hoạt động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường như sau:
(1) Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường tổ chức cuộc họp để thảo luận tập thể về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Thủ đô và vấn đề khác theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố trước khi quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tập thể quy định tại (2) gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 06 chức danh công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường.
(3) Hoạt động của Ủy ban nhân dân phường nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân, tuân thủ trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền được giao, theo đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân phường.
(4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức tại phường theo quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động của Ủy ban nhân dân phường phải dân chủ, công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt.
Dự kiến nếu được thông qua, dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, cùng thời điểm với Luật Thủ đô 2024 và thay thế cho Nghị định 32/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, kể từ ngày dự thảo Nghị định có hiệu lực thi hành, cán bộ, công chức làm việc tại Ủy ban nhân dân phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01/01/2025 (ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành) được chuyển thành công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hằng năm cho quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố để tiếp tục làm việc tại vị trí đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Xem thêm nội dung tại dự thảo Nghị định.