Sau bão số 3: Các địa phương tập trung tái thiết sản xuất, kinh doanh như thế nào?
Đến nay, các tỉnh, thành phố có thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua đã và đang tập trung khôi phục tái thiết mọi mặt của đời sống sau bão.
Hôm nay (21/9), UBND tỉnh Quảng Ninh vừa quyết định thành lập tổ công tác để xây dựng Đề án "Khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão".
Theo đó, tỉnh này quyết tâm xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển hơn sau bão, phấn đấu giữ vững tăng trưởng trên 10% năm 2024, là năm thứ 10 liên tiếp, đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số.
Theo số liệu công bố tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 hôm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 29 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương, 4 người mất liên lạc; thiệt hại về tài sản khoảng 24.223 tỷ đồng… Trong đó, riêng thành phố Hạ Long là thiệt hại nặng nề nhất.
Để sớm khôi phục nền kinh tế, tỉnh Quảng Ninh cũng báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ;
Chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn...
Cùng thời điểm, tại Phú Thọ, các Sở, ban, ngành và lực lượng chức năng của tỉnh này cũng tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng cũng tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đồng thời, đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn (nguy cơ cao có thể xảy ra sạt lở sau thời gian mưa lớn kéo dài, đất bão hoà nước…)
Để sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ ở miền Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản lưu ý các địa phương.
Cụ thể, đối với vùng đồng bằng, ven biển, tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng - Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ vì hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao nhiều nơi vẫn còn ở mức báo động 3 và trên báo động 3, uy hiếp đến an toàn hệ thống đê điều.
Các địa phương tiếp tục triển khai công tác hộ đê, xử lý kịp thời các sự cố đê, tránh tình trạng chủ quan, lơ là vì khi lũ rút cũng sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê; khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra;
Đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa mầu bị ngập;
Chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão; tập trung khắc phục sớm sự cố hệ thống lưới điện, thông tin…