Vĩnh Phúc sơ tán dân, công bố khẩn cấp về tình hình sông Lô
Những ngày qua, bờ sông Lô thuộc địa phận thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã xảy ra sạt lở lớn, chiều dài dọc theo bờ sông trên 100m. Hiện, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Ngày 21/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650 - K0+850 đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô.
Theo báo cáo của UBND huyện Sông Lô và qua kiểm tra thực tế vào hồi 10 giờ 30 ngày 20/9, phát hiện sạt, lở mạnh bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650-K0+850 đê tả Lô, thuộc địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô; cung sạt có chiều dài khoảng 200 m (khu vực bãi sông này hiện có 7 hộ dân sinh sống với khoảng 44 nhân khẩu). Trong đó, 3 hộ đã bị đổ sập công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách chân đê tả Lô khoảng 30 m.
Đến 18 giờ cùng ngày 20/9, diễn biến sạt lở tiếp tục phát triển mạnh, lan rộng (trong hơn 7 giờ, cung sạt ăn sâu vào bãi sông trên 10 m), vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách nhà dân 3 m và cách chân đê tả Lô khoảng 20 m; có mức độ nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả Lô.
Sạt lở gây nguy hiểm tại bờ tả sông Lô. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc
Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ nguyên nhân chính gây ra sự cố sạt, lở mạnh là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 mực nước sông Lô lên cao, khu vực bãi sông thuộc địa phận thôn Hồng Đường, xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô bị ngập sâu trong nước khoảng từ (2+3) m nhiều ngày, kết hợp với địa chất bãi sông chủ yếu là đất pha cát không có độ kết dính, khi lũ rút kéo theo khối trượt ăn sâu vào bãi.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự cố đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả Lô có nhiệm vụ bảo vệ cho một vùng rộng lớn thuộc các huyện Sông Lô, Lập Thạch với diện tích vùng bảo vệ khoảng 14.123 ha, dân số vùng bảo vệ 164.879 người. Bên cạnh đó, gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư sinh sống tập trung hiện có ngoài bãi sông.
Hiện, chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô tương ứng đoạn từ K0+650-K0+850 đê tả Lô, địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô để khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo năng lực phòng lũ của tuyến đê tả Lô; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cộng đồng dân cư của vùng được bảo vệ. Kinh phí dự kiến khoảng 10 tỷ đồng, hoàn thành trước ngày 31/12/2024.
Trong thời gian chờ thi công, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu huyện Sông Lô lập chốt 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo, thông báo rộng rãi về tình hình sự cố đến toàn thể nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động xử lý khi diễn biến sạt lở lan rộng, uy hiếp đến an toàn tuyến đê tả Lô.
Cùng với đó, khoanh vùng không cho người vào, phân luồng giao thông, hạn chế đông người để đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ cứu hộ, cứu nạn, hộ đê khi có sự cố…
Sông Lô là phụ lưu cấp 1 ở tả ngạn sông Hồng, chảy từ Trung Quốc sang các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, Việt Nam.
Sông Lô bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; điểm cuối là ngã ba Hạc, còn gọi là ngã ba Bạch Hạc hay ngã ba Việt Trì (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi sông Lô đổ vào sông Hồng. Sông Lô có tổng diện tích lưu vực: 39.000 km2, trong đó phần ở Việt Nam là 22.600 km2.