‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á

22/09/2024 17:25

Hạt ngọc’ của Việt Nam đang rất đắt khách ở các quốc gia Đông Nam Á, doanh nghiệp ký được những đơn hàng xuất khẩu rất lớn. Nhờ đó, nước ta đã thu về hơn 4 tỷ USD.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 9 năm nay, nước ta xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất khẩu chỉ tăng nhẹ 6,2% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21,2% (tương đương tăng 710 triệu USD).

Về thị trường xuất khẩu, mặt hàng được ví như “hạt ngọc” Việt Nam rất đắt khách ở Đông Nam Á, với 3 khách hàng lớn nhất là Philippines, Indonesia và Malaysia tính đến hết tháng 8.

Cụ thể, khách hàng lớn nhất là Philippines đã chi ra gần 1,72 tỷ USD để mua 2,81 triệu tấn gạo của Việt Nam trong 8 tháng qua. So với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu của nước ta sang thị trường này tăng 19,6% về lượng và 39,8% về giá trị.

Indonesia tiếp tục đẩy mạnh thu mua gạo Việt Nam từ năm ngoái đến nay. Chỉ trong 8 tháng năm 2024, quốc gia Đông Nam Á này đã mua gần 913.900 tấn gạo, tương đương 557,8 triệu USD. Xuất khẩu gạo Việt sang Indonesia tăng 27,3% về lượng, tăng 54,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, nước ta xuất khẩu gần 582.900 tấn gạo sang Malaysia, thu về 345,9 triệu USD. Gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng vọt 112% về lượng và tăng 152,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tăng mua lượng lớn gạo đưa Malaysia trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, vượt Trung Quốc.

Giá gạo xuất khẩu trung bình của nước ta trong 8 tháng năm nay đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 17/9, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của nước ta đạt 565 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 535 USD/tấn, gạo 100% tấm giá 455 USD/tấn.

Các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, rất khó để dự báo giá gạo trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, giá sẽ khó giảm bởi nguồn cung dành cho xuất khẩu không còn nhiều.

Theo thống kê, nếu xuất khẩu lượng gạo tương đương năm 2023, tức trong 3,5 tháng còn lại của năm 2024 nước ta còn khoảng 1,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu.

Chưa kể, miền Bắc vừa qua có hơn 200.000 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại do bão lũ cũng ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng này.

‘Hạt ngọc’ Việt ‘ôm’ về 4 tỷ USD, nhiều đơn hàng rất lớn ở Đông Nam Á - Ảnh 1.
Các quốc gia ở Đông Nam Á đang có nhu cầu mua lượng gạo lớn từ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Trong khi đó, một số quốc gia ở Đông Nam Á vẫn có nhu cầu mua lượng gạo lớn, nguồn hàng được nhắm đến là từ Việt Nam.

Đơn cử, Philippines dự kiến nhập thêm khoảng 1 triệu tấn gạo Việt.

Mới đây, Indonesia - khách hàng lớn thứ hai của gạo Việt Nam, cũng vừa công bố mời thầu gần nửa triệu tấn gạo vào tháng 9, yêu cầu nhận hàng trong tháng 10 và 11 năm nay.

Thị trường này có nhu cầu mua gạo trắng 5% tấm sản xuất trong niên vụ 2023-2024 (đã xay xát không quá 6 tháng). Gạo phải có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Pakistan.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - cho biết, giá lúa gạo trong nước tuần qua tăng liên tục. Ngoài ảnh hưởng của mưa bão tác động đến nguồn cung, các doanh nghiệp cũng ký được những đơn hàng xuất khẩu rất lớn và đang phải mua gạo để trả cho đối tác trong những tháng cuối năm.

Lúa mọc mầm trắng xoá như giá đỗ, nông dân thiệt hại 3.000 tỷ đồng

Tại hội nghị Hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão lũ tại các tỉnh, thành phía Bắc sáng 18/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung cho hay, đợt bão lũ vừa qua đã làm hơn 200.000ha lúa bị ngập úng, gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng.

Các địa phương đang tiếp tục thống kê, rà soát để có những số liệu cụ thể.

“Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề. Nhiều diện tích trồng lúa chưa kịp thu hoạch, bị ngập, nảy mầm trắng xóa, không khác gì giá đỗ”, ông Trung chia sẻ.

Bộ NN-PTNT đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật để khắc phục, phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão, lũ. Đồng thời, xuống các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến cáo nông dân cần tranh thủ làm vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước để chuẩn bị gieo trồng vụ đông sớm.

Theo Cục Trồng trọt, các địa phương cần 15.000 tấn giống lúa để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, lượng lúa giống trong kho dự trữ quốc gia chỉ còn hơn 4.000 tấn.