Những lời khai hướng về cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Sáng 23-9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) với phần xét hỏi các bị cáo tham gia phát hành trái phiếu khống.
Đây là ngày thứ 3 kể từ khi phiên toà được khai mạc. Trong 2 ngày trước đó, chủ toạ phiên xử đã xét hỏi 19 bị cáo liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra.
Như vậy, liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu khống, còn 10 bị cáo sẽ được xét hỏi, trong đó có cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.
Các bị cáo đã khai báo trước toà thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu và giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra. Các lời khai đều hướng về vai trò chủ chốt của bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trong việc chỉ đạo và tổ chức các hoạt động trái pháp luật này.
Theo lời khai, từ năm 2018 đến năm 2020, bị cáo Trương Mỹ Lan là người đề ra và chỉ đạo việc thực hiện các hành vi sai phạm. Bà Lan đã chỉ đạo các bị cáo Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB; trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI), và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP), sử dụng các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu "khống", tức không có giá trị thật. Họ đã bán các trái phiếu này cho nhà đầu tư và thu về tổng cộng hơn 30.000 tỉ đồng.
Số tiền này sau đó được Trương Mỹ Lan sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với mục tiêu ban đầu của việc phát hành trái phiếu, dẫn đến việc không thể trả nợ cho nhà đầu tư.
Các bị cáo đều thừa nhận rằng việc truy tố của VKSND Tối cao là đúng người, đúng tội và không có oan sai. Họ khẳng định ngoài tiền lương, không được hưởng lợi gì từ việc phát hành trái phiếu. Các bị cáo cũng trình bày rằng họ chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan và không nhận thức hết được mức độ nghiêm trọng của hành vi. Họ bày tỏ sự hối hận, cam kết sẽ sắp xếp tài chính để khắc phục hậu quả và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong phần xét hỏi, liên quan đến việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông, bị cáo Huệ Vân cho biết thời điểm đó bị cáo chỉ quản lý các tòa nhà thương mại và dịch vụ, còn về hoạt động tài chính thì không nắm rõ. Bị cáo Vân khẳng định rằng mình không tham gia vào bất kỳ quyết định hay cuộc họp nào liên quan đến việc phát hành trái phiếu và do áp lực công việc, bị cáo không nhớ đã ký bao nhiêu loại giấy tờ hoặc hợp đồng, mà chỉ ký theo những nơi đã được đánh dấu sẵn.
Bị cáo Vân cũng thừa nhận sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, bị cáo giải thích rằng mình chỉ là người làm thuê với mức lương 80 triệu đồng/tháng và không có khả năng khắc phục thiệt hại lớn do vụ án gây ra. Dù vậy, bị cáo cam kết sẽ cố gắng vận động gia đình để khắc phục phần nào hậu quả.
Cuối cùng, bị cáo Vân bày tỏ sự hối hận và khẳng định rằng mình không có ý định lừa dối hay chiếm đoạt tiền của bất kỳ ai. Bị cáo xin lỗi vì những hành động của mình đã gây ảnh hưởng đến các gia đình bị hại và mong nhận được sự tha thứ.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, có 10 bị cáo phạm tội xuyên suốt cả 2 giai đoạn cùng với bà Trương Mỹ Lan gồm: Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB), giai đoạn 1 lãnh án 18 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) giai đoạn 1 lãnh án tù chung thân về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Tham ô tài sản"; Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch hội đồng quản trị SCB) giai đoạn 1 lãnh án chung thân về các tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Tham ô tài sản"; Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) giai đoạn 1 lãnh án 16 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Nguyễn Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) giai đoạn 1 lãnh án 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) giai đoạn 1 lãnh án 17 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Hồ Bửu Phương (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TVSI, cựu phó tổng giám đốc tài chính Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 1 lãnh án 20 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Bùi Đức Khoa (phó tổng giám đốc Công ty Natural Land) giai đoạn 1 lãnh án 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; Đặng Phương Hoài Tâm (phó trưởng phòng Văn phòng hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát) giai đoạn 1 lãnh án 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) giai đoạn 1 lãnh án 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Tất cả các bị cáo trên đều đã kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan (bị tuyên án tử hình về các tội danh: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ) đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.