Cuộc sống mới của cô gái bỏng nặng từng hai lần bị bệnh viện trả về
Từ cô gái bị bệnh viện trả về vì bỏng nặng, giờ đây chị Liên trở thành dược sĩ tại một quầy thuốc, luôn sống tích cực và hướng đến tương lai.
7h sáng, có mặt tại quầy thuốc của công ty, Vũ Thị Bích Liên (27 tuổi, quê Thái Bình) khoác lên mình chiếc áo blouse, hỏi han tình trạng sức khoẻ khách hàng gặp phải, sau đó tư vấn để họ có lựa chọn phù hợp. Liên nói, việc thường xuyên giao tiếp với khách hàng giúp bản thân thoải mái và tự tin hơn trước rất nhiều.
Sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở Thái Bình, gia đình khó khăn nhưng Liên học rất giỏi, năm 18 tuổi, cô thi đỗ một trường Đại học ở Hà Nội. Thay vì khăn gói lên thủ đô nhập học như bao bạn bè cùng trang lứa, ngày đó Liên lại chọn lập gia đình với một người đàn ông quê Mộc Châu, Sơn La.
Kết hôn khi độ tuổi còn trẻ, Liên và chồng nhiều lần xảy ra mâu thuẫn. Một ngày giữa tháng 3/2018, vợ chồng Liên cãi vã. Người chồng tưới xăng lên cơ thể vợ, đốt sống, lửa bén từ cổ xuống chân. Liên la hét, giãy dụa, hàng xóm dập lửa và sơ cứu, sau đó chuyển cô lên Viện Bỏng cấp cứu.
Nhập viện trong tình trạng không thể giao tiếp, mất cảm giác, Liên được chẩn đoán bỏng nặng, diện tích tổn thương hơn 75% cơ thể, nhiều nhất ở thân mình, cơ hội sống chỉ 10%. “Ngày đó tôi tưởng mình không thể qua khỏi, bác sĩ trả về 2 lần vì tổn thương bỏng quá nặng”, Liên nhớ lại.
Để cấy ghép da, Liên phải trải qua 7 lần phẫu thuật liên tục trong 7 tuần. Do vùng da lành trên cơ thể quá ít nên Liên phải lấy da đầu liên tục 4 lần. Cô thường xuyên phải điều trị trong phòng sấy nóng để vết thương khô nhanh, nhiệt độ có lúc lên trên 50 độ.
Mỗi lần thay băng, mùi hôi của những vùng thịt hoại tử bốc lên khiến Liên ngạt thở. Khi tắm hay vệ sinh vết thương, cô đều phải gây mê. Hết thuốc mê, Liên tỉnh lại và thấy mình trở thành gánh nặng cho người thân. Không ít lần cô xin bác sĩ ngừng điều trị để ra đi thật nhanh. Gia đình động viên cô không bỏ cuộc.
Trong quá trình điều trị bỏng, có lần Liên bị nhiễm nấm tạng, nấm máu, suy giảm miễn dịch, toàn bộ da cấy ghép không thể bám vào cơ thể, sốt liên miên, tiên lượng tử vong. May mắn, cô đáp ứng thuốc, các vùng da ghép liền khô, thể trạng hồi phục nhanh. "Tôi qua cơn nguy kịch như một kỳ tích, song di chứng khiến bản thân ám ảnh đến suốt đời", Liên nói.
Những ngày nằm viện, Liên cũng thường xuyên nói chuyện với các bệnh nhân cùng phòng. Cuộc sống bệnh viện khiến cô gái có thêm nhiều trải nghiệm và thay đổi suy nghĩ tích cực hơn. Cô không ngại ngần chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Khi rảnh rỗi, Liên đọc sách, nghe nhạc hoặc gọi điện tâm sự với bạn bè. Niềm lạc quan của cô gái trẻ mang đến nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.
Sau thời gian dài nằm viện điều trị, năm 2019, Liên về quê, nộp đơn thi vào trường y Thái Bình, vừa để có tấm bằng vừa mong hòa nhập cuộc sống. Vết thương co kéo khiến Liên đi lại khó khăn, chân phải bị mất cảm giác, khó đứng vững. Hàng ngày, nữ dược sĩ phải mặc quần áo dài để che vết sẹo trên cơ thể.
Liên cũng tham gia nhiều nhóm dành cho bệnh nhân bỏng, tìm hiểu thêm nhiều phương pháp giảm co kéo và lành sẹo. Trong tương lai, Liên mong có quầy dược của riêng mình và một tủ thuốc từ thiện để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo các chuyên gia Viện Bỏng Quốc gia, bỏng xăng xếp loại bỏng do nhiệt khô. Xăng khi cháy có nhiệt độ rất cao nên thường gây bỏng sâu. Vết thương di chứng sau bỏng rất nặng nề, ảnh hưởng sức khỏe, thẩm mỹ và đặc biệt về tâm lý của bệnh nhân.
Bỏng do xăng có những điểm nguy hiểm khác biệt so với bỏng thông thường như từ dầu ăn, nước sôi. Nhiều ca bỏng xăng dù được điều trị ngay lập tức vẫn có tỷ lệ thương tật nặng nề, cần thời gian điều trị lâu dài.
Nếu không chữa trị đúng cách, vết thương thường rất lâu khỏi. Bỏng rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, độ bỏng sâu hơn, co kéo bề mặt da tạo sẹo xấu. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm trùng gây nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng, ảnh hưởng đến tính mạng.