Hơn 30 ngân hàng cho vay lãi suất siêu thấp với khách hàng bị thiệt hại do bão lũ
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đồng loạt thiết kế những gói tín dụng quy mô lớn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão lũ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến nay đã có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới với tổng số 405.000 tỉ đồng lãi suất thấp hơn từ 0,5 -2%/năm để cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 vừa qua.
Theo đó, tại BIDV, tổng quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất là 100.000 tỉ đồng, cụ thể có 40.000 tỉ đồng cho các khoản vay hiện hữu và triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỉ đồng cho các khoản vay mới. Mức giảm lãi suất cho vay tối đa lên đến 2%/năm tùy theo mức độ thiệt hại và kỳ hạn vay vốn của khách hàng. Thời gian hỗ trợ giảm lãi suất từ ngày 20-9-2024 đến hết ngày 31-12-2024.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành Vietcombank cũng cho biết: Hiện chúng tôi đã triển khai chính sách giảm tới 0,5% lãi suất cho vay trong giai đoạn từ ngày 6-9-2024 đến hết ngày 31-12-2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 tại các địa phương thuộc khu vực bị ảnh hưởng. Mức giảm lãi suất được áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới. Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỉ đồng.
Còn theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, dư nợ hiện hữu (bao gồm vay VND và USD) tại thời điểm ngày 6-9-2024, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, Agribank giảm từ 0,5 - 2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6-9 đến ngày 31-12-2024.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ khách hàng có điều kiện ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6-9 đến 31-12-2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.
Ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại do bão lũ. Ảnh minh hoạ
Phó Tổng Giám đốc BIDV, ông Đoàn Việt Nam cho biết, BIDV đã giảm lãi suất cho vay với biên độ từ 0,5-2%/năm tuỳ theo mức độ thiệt hại của khách hàng, chương trình áp dụng đối với cả nhóm khách hàng hiện hữu và khách hàng mới. Triển khai gói tín dụng mới 60.000 tỉ đồng áp dụng từ ngày hôm nay đến hết năm 2024.
Tương tự, VietinBank cũng dành gói hỗ trợ quy mô đến 100.000 tỉ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất với mức giảm lên đến 2%/năm, áp dụng đến hết năm 2024.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB chia sẻ, ngay khi có chỉ đạo của NHNN ngân hàng MB đã thực hiện giảm tối đa 2%/năm nhưng sẽ được phân loại theo mức độ thiệt hại, năng lực tài chính, giảm 0,5 -1%/năm khoản vay ngắn hạn, giảm 1-2% khoản vay trung, dài hạn.
Chương trình áp dụng ngay từ hôm nay cho đến hết 2024. Đối với khoản vay mới, MB sẽ ban hành gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỉ đồng, giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường. Sau 18-9, đã bổ sung thêm gói 7.000 tỉ đồng, giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường. Bên cạnh đó, Công ty Bảo hiểm của MB cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời.
Nhằm giúp khách hàng giảm áp lực tài chính, tập trung khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) bên cạnh giảm tối đa 50% số tiền lãi khách hàng phải trả hiện tại, ngân hàng sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31-1-2025. Chương trình áp dụng từ nay đến hết tháng 10, với hạn mức lên tới 2.000 tỉ đồng.
Mới đây, ngân hàng SHB cho biết, sẽ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả trong 4 tháng từ tháng 9 đến tháng 12-2024. Đồng thời hỗ trợ khách hàng vay mới với lãi suất chỉ 4,5%/năm, để giúp khách hàng tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Danh sách những ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 còn có những cái tên như: Sacombank, VPBank, HDBank, MSB, NamABank, VietABank, BVBank, ACB, Eximbank, LPBank…