Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật

23/09/2024 14:30

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.

Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật

Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật (Hình từ Internet)

Thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật

Ngày 18/5/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật nhằm thảo luận và đưa ra những biện pháp để mở cửa các thị trường mới cũng như tiếp tục duy trì và tăng khối lượng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam vào thị trường các nước đang xuất khẩu.

Tại Công văn 6664/BNN-TY ngày 09/9/2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

(1) Đối với UBND các tỉnh, thành phố

- Rà soát quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao, theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của quốc tế và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Việt Nam, tiến tới đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới.

- Có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuỗi sản xuất khép kín, bao gồm cả nhà máy công nghệ chế biến sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp với từng thị trường, vùng miền, tăng khả năng xuất khẩu được sản phẩm.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các dịch bệnh quan trọng, có ảnh hưởng đến thương mại động vật và sản phẩm động vật theo khuyến cáo của Tổ chức thú y thế giới.

- Hằng năm bố trí kinh phí giám sát các bệnh trên gia súc, gia cầm; giám sát các chỉ tiêu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm tại các vùng xung quanh chuỗi chăn nuôi động vật, sản xuất sản phẩm động vật phục vụ xuất khẩu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

(2) Đối với các đơn vị thuộc Bộ

* Giao Cục Thú y

- Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

- Tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh đặc biệt là các quy định mới đối với thực phẩm Halal.

- Hướng dẫn cụ thể việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch giám sát dịch bệnh, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc, giám sát điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo đúng tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của các nước; bao gồm cơ sở giết mổ, chế biến đạt chuẩn và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.

* Giao Cục Chăn nuôi

- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

- Hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp rà soát quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao, theo chuỗi khép kín nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

* Giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia

- Thực hiện các chương trình khuyến nông cộng đồng, tăng cường truyền thông, phổ biến rộng rãi về phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

(3) Đối với các Doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến

- Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm động vật cần tìm hiểu kỹ về yêu cầu của thị trường xuất khẩu để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, có lộ trình thực hiện đồng thời gửi văn bản đề nghị tới Cục Thú y để được hỗ trợ, hướng dẫn.

- Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh; kế hoạch giám sát điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với các cơ sở trong chuỗi sản xuất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Đầu tư, hoàn thiện cơ sở chăn nuôi, chế biến sản phẩm động vật đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.

- Chủ động tìm hiểu các quy định, tiêu chuẩn đối với thực phẩm Halal, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến đáp ứng quy định Halal phục vụ cho việc xuất khẩu các sản phẩm thịt Halal vào thị trường các nước Hồi giáo.

- Phối hợp với Cục Thú y để chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.