Những căn homestay làm trên nhà nổi tại rốn lũ Tân Hoá (Quảng Bình) và cách Oxalis biến lũ lụt thành cơ hội kinh doanh du lịch
Khi người dân quen với lũ lụt và tìm cách thích ứng thì lũ lụt trở nên bình thường. Xây dựng được ngành du lịch thích ứng thời tiết, Tân Hoá có thể đón khách bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
Trong những ngày qua, khi mưa lớn gây lụt sâu tại nhiều vùng miền núi thì người dân tại “rốn lũ” Tân Hoá của tỉnh Quảng Bình lại bình tĩnh chuyển lên nhà phao sinh sống.
Đây là những ngôi nhà rộng khoảng 20m2, làm bằng gỗ hoặc tôn và có hệ thống thùng phuy được cột chặt bên dưới, giúp cho ngôi nhà có thể nổi lên trên mặt nước khi lũ dâng cao. Nhà phao được cố định vào cột định vị cao 5-7m, tránh bị trôi. Trong nhà, người dân tích trữ thực phẩm, dụng cụ sinh hoạt đủ cho gia đình dùng từ 2 tuần đến 1 tháng.
Để di chuyển trong làng, họ dùng thuyền gỗ hoặc phao. Trong khi đó, trâu bò được di chuyển lên khu vực núi cao, và hàng ngày người dân sẽ chèo thuyền đi cắt cỏ cho trâu bò ăn.
Sáng kiến nhà phao xuất hiện tại Tân Hoá khoảng từ năm 2010, sau một trận đại hồng thuỷ gây thiệt hại rất lớn. Đến nay, đã có hơn 700 căn nhà nổi trong số hơn 715 hộ dân ở Tân Hóa. Trong đó, có 90 căn nhà với tổng trị giá 3 tỷ đồng được tài trợ bởi chương trình cuộc đua “Thử thách Tú Làn” do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) tổ chức.
Nước lũ dâng đến đâu, nhà nổi đến đó. Người dân nơi đây không còn cảnh phải chạy lên núi để tránh trú và bỏ mặc nhà cửa, tài sản cuốn theo dòng nước.
Ông Nguyễn Châu Á – CEO Oxalis cho biết, người dân Tân Hoá có thể đến Tú Làn Lodge (khu kinh doanh lưu trú của Oxalis) gần đó để lấy nước sạch, sạc điện thoại và có thể trú lụt nếu cần thiết.
Nhưng không dừng lại ở một giải pháp cho vùng rốn lũ trước thiên tai, nhà nổi được đánh giá là một nét đặc trưng, hiếm nơi nào có được của Tân Hoá. Ý tưởng về mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa được Oxalis nảy ra và thực hiện, cũng là hướng phát triển kinh tế mới rất triển vọng của vùng đất này.
Đến Tân Hoá, khách du lịch có thể trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như ở nhà nổi, thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối chinh phục hang động, ngắm cảnh quan mùa lụt, trải nghiệm cuộc sống của người dân.
Oxalis cũng vừa phối hợp với Sở Du lịch Quảng Bình đưa khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge và tour lái xe địa hình ATV khám phá rừng lim Tân Hóa vào hoạt động. Khách đến Tân Hoá những ngày lụt sẽ di chuyển vào Tú Làn Lodge bằng thuyền, sau đó đi tới nhà dân bằng Kayak hoặc SUP. Ngay cả khi nước lên, các hộ cung cấp dịch vụ ăn tại nhà dân vẫn phục vụ. Thay vì đạp xe đi ăn tối nhà dân thì nay khách sẽ chèo kayak đi ăn tối.
Hiện nay Tân Hoá có 10 căn homestay làm trên nhà nổi và khách có thể ở vào những ngày ngập lụt, homestay có hệ thống nhà vệ sinh tự hoại treo và vẫn hoạt động bình thường khi nước lên.
Đó là cách Tân Hoá phát triển du lịch thích ứng thời tiết.
“Đành rằng lũ lụt là khó khăn, nhưng Tân Hoá không thể tránh được lụt hàng năm, doanh nghiệp của chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi tìm cách thích ứng với các điều kiện của thời tiết để hoạt động” – Ông Châu Á nói.
Số liệu từ Oxalis cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2024, công ty đón hơn 9.600 khách đến du lịch tại Tân Hoá và đạt mức doanh thu 39 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế). Trong đó, tour Tú Làn đón 5.300 khách, đem về hơn 25 tỷ đồng doanh thu.
Nhờ vậy, Oxalis nộp gần 6 tỷ đồng vào ngân sách địa phương và người dân làng Tân Hoá có thu nhập gần 9 tỷ đồng từ các hoạt động kinh doanh của Oxalis. Riêng đội ngũ porter có thu nhập 4,5 tỷ đồng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, thiên tai có xu hướng cực đoan ngày càng nhiều. Đối với ngành du lịch, thời tiết là một trong những yếu tố gây nên sự gián đoạn trong kinh doanh. Vì vậy, sự thích nghi và có các giải pháp chuẩn bị sẵn sàng với thời tiết cực đoan là việc mà các doanh nghiệp trong ngành cần nghĩ đến và thực thi nhanh chóng.
Mô hình du lịch thích ứng ở Tân Hoá nếu được thị trường đón nhận, hoàn toàn có thể nhân rộng ở các địa bàn khác.
Tuy nhiên, theo ông Châu Á, du lịch thích ứng thời tiết là thích ứng cho cả mùa chứ không chỉ trong những ngày lụt. Khi người dân quen với lũ lụt và tìm cách thích ứng thì lũ lụt trở nên bình thường. Xây dựng được ngành du lịch thích ứng thời tiết, Tân Hóa có thể đón khách bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào.
“Tất nhiên vào những nước lên, đa số du khách muốn đi đến nơi khác. Chỉ có một vài vị khách yêu thích sự mới lạ và độc đáo thì đến trải nghiệm vùng lụt. Nhưng chúng tôi muốn mọi người nhìn nhận việc lũ lụt ở Tân Hóa là bình thường và khi nước rút đi, mọi thứ cũng trở lại bình thường một cách nhanh nhất” – Ông Châu Á nhấn mạnh.