Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau hội đồng gây xôn xao dư luận
PLBĐ - Chỉ trong vòng một tuần lễ, hàng loạt vụ học sinh đánh nhau đã được báo chí phản ánh và mạng xã hội đăng tải. Những vụ việc này đã dấy lên nhiều lo ngại về nạn bạo lực học đường.
Ngày 2/12, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Lào Cai xác nhận sự việc 2 học sinh bị đánh hội đồng liên quan tới học sinh của Trường THCS Thống Nhất (TP Lào Cai).
Trước đó, từ ngày 1/12, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip quay lại cảnh 2 học sinh ở Lào Cai bị một nhóm người đánh hội đồng. Sau khi đăng tải, đoạn clip đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo báo cáo của Trường THCS Thống Nhất, vào lúc 15h08 ngày 1/12, nhà trường nhận được điện thoại của Công an phường Bình Minh về việc xác minh học sinh đánh nhau vào khoảng 16h ngày 30/11 trên sân vận động phường Bình Minh. Cầm đầu nhóm đánh hội đồng là C.P.M (SN 2009, trú xã Thống Nhất, TP Lào Cai). M. là học sinh Trường THCS Liêm Tuyền (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). M. đang học nhờ tại trường THCS Thống Nhất trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 từ ngày 7/9 đến 26/11. Bên bị đánh là em T.D.H (học sinh lớp 7, Trường THCS Thống Nhất) và em Đ.V.V (sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai).
Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Được biết, ngoài vụ việc ở Lào Cai, thời gian qua tại nhiều địa phương đã xảy ra không ít vụ học sinh đánh nhau hội đồng khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, cũng trong ngày 2/12, ông Trần Công Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Cam Lộ (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết, trường đang phối hợp với cơ quan công an làm rõ sự việc 1 học sinh bị tấn công.
Theo đó, vào chiều ngày 1/12, em Đ.N.L (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Cam Lộ) ra về sau khi kết thúc 2 tiết học ở trường. Khi đang trên đường về, em L. bị một nhóm thanh niên dùng gậy và dao vây đánh. Em L. bị thương ở sau lưng gần vai trái và một số chấn thương ở tay, mắt.
Nam sinh này sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ điều trị, đồng thời thông báo cho gia đình và giáo viên chủ nhiệm biết. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Cam Lộ điều tra, làm rõ.
Trước đó, vào trưa 26/11, nữ sinh L.T.M.Tr. (học sinh lớp 11, Trường THPT Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) cũng đã bị đánh hội đồng. Theo đó, khi em Tr. cùng nhóm bạn học đang trên đường vào trường tiêm vaccine phòng COVID-19 thì bị một nhóm 6 người chặn lại. Sau đó, nhóm này lao vào đánh mặc cho em Tr. van xin. Thậm chí, có 1 người còn dùng chân đạp thẳng vào đầu khi em Tr. đã bị gục dưới đất. Toàn bộ vụ việc đã được một người dân dùng điện thoại quay lại làm bằng chứng.
Liên quan đến vụ việc, vào chiều 1/12, Công an huyện Bảo Lâm đã triệu tập 4 trong số 6 đối tượng tham gia đánh em Tr. Công an huyện cũng ra lệnh tạm giữ hình sự các đối tượng trên để phục vụ công tác điều tra.
4 đối tượng bị tạm giữ hình sự gồm: Nguyễn Thị Mỹ Nương (18 tuổi, trú xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm); Hà Bảo Quyên (18 tuổi, trú xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm); Đoàn Thanh Nga (17 tuổi và Tạ Minh Thư (17 tuổi, cùng trú tại TP Bảo Lộc). Hai người còn lại tham gia vụ đánh nữ sinh là Trương Thị Lục Hạnh (17 tuổi) và N.T.N (16 tuổi, cùng trú TP Bảo Lộc).
Sau khi bị đánh hội đồng, em Tr. phải nhập viện cấp cứu do đa chấn thương.
Chưa hết, những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài 30 giây ghi cảnh nhóm nữ sinh đánh nhau. Trong clip, 4-5 nữ sinh lao vào túm tóc, tát, lên gối, dùng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp một em khác. Nữ sinh bị đánh chỉ biết ôm đầu. Sự việc xảy ra dưới sự chứng kiến của nhiều người nhưng không ai can ngăn.
Ngày 30/11, ông Đặng Quang Thanh - Hiệu trưởng THPT Hậu Lộc 2 (Thanh Hóa) xác nhận những nữ sinh liên quan đến vụ việc là học sinh của trường. Nhà trường đã yêu cầu nhóm học sinh viết bản tường trình và báo cáo vụ việc cho cơ quan công an. Khi có kết quả, Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ đưa ra hình thức xử lý.
Cũng theo vị Hiệu trưởng, nơi xảy ra sự việc là ngoài trường học. Nguyên nhân ban đầu là các nữ sinh có mâu thuẫn, nói xấu nhau trên mạng xã hội.
Qua những vụ việc trên có thể thấy, nạn bạo lực học đường không phải mới. Tuy nhiên, việc liên tục xảy ra các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian ngắn khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Có thể nói, để hạn chế bạo lực học đường thì vai trò của gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng. Mỗi gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ với con về các vấn đề xung quanh trường lớp. Đồng thời, cần định hướng cho con cách ứng xử để bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường việc giáo dục đạo đức cho các học sinh. Tăng cường tuyên truyền giúp cho các em nhận thức được hậu quả của bạo lực học đường.
T.H (th)